Không phức tạp hóa việc cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ
Luật Đất đai mới quy định rõ các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
>>Họp Tổ công tác lần 2 về tháo gỡ vướng mắc các công trình giao thông trọng điểm
Tại họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, trình tự thủ tục cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ đang được xây dựng chi tiết để tránh phiền hà cho người dân.
Ba nhóm được cấp sổ đỏ
Theo đó, Luật Đất đai mới đã chia các trường hợp người sử dụng đất không có giấy tờ trước tháng 7/2014 thành ba nhóm thời gian để cấp sổ đỏ. Đầu tiên, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
>>Quảng Nam tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Tiếp đến là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
Liên quan đến vấn đề trên, Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đã từng chia sẻ, đây là vấn đề rất phức tạp ở các địa phương. Thực tế, trên hồ sơ địa chính vẫn thể hiện thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đó, thửa đất không có tranh chấp, không vi phạm, nhưng chưa có quy định cụ thể để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp này. Do đó, việc phải xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp này là cần thiết. Việc dự luật quy định thời gian đến trước ngày 1-7-2014 cũng là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu chính đáng, quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, sau khi luật có hiệu lực phải làm rõ từng trường hợp cụ thể. Trong đó, xác định rõ không có vi phạm pháp Luật đất đai và làm rõ lý do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sẽ có nghị định hướng dẫn
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, quá trình cấp sổ đỏ, nhất là các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng thì sẽ căn cứ thực tế sử dụng đất, lịch sử quản lý đất đai là điều hết sức quan trọng.
“Phải khẳng định khi cấp giấy chứng nhận cho người dân mà để xảy ra tranh chấp, phức tạp hơn càng không nên. Đồng thời, chỉ có cán bộ trực tiếp gắn bó với người dân, trực tiếp nắm quỹ đất ở địa phương, trực tiếp quản lý di biến động của đất đai trong suốt quá trình lịch sử sử dụng đất đai mới nắm được việc này. Trong đó, phải đảm bảo đất không có tranh chấp, sử dụng ổn định. Ổn định có nghĩa sử dụng vào mục đích, thời gian nhất định", Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay.
Để thực hiện tốt, theo ông Ngân phải có ba yếu tố (chính sách, tổ chức thực hiện và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân). Thứ nhất, yếu tố về pháp luật phải có đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, được UBND cấp xã xác nhận.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện thì chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, thậm chí các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải xem xét việc thực hiện có gây khó khăn cho người dân không. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, việc này không thể quy định cụ thể trong luật. Nhưng trong nghị định, dự kiến sẽ đưa vào trình tự, thủ tục cấp "sổ đỏ" để hạn chế tối đa gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Thứ ba, về ý thức của người dân phải đảm bảo việc đề xuất cấp sổ đỏ đúng pháp luật, không để xảy ra mâu thuẫn xã hội trong quá trình thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát của cán bộ địa chính cũng được đánh giá là rất quan trọng bởi họ nắm quỹ đất địa phương và quản lý di biến động của đất đai trong suốt quá trình lịch sử sử dụng.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các chính sách dưới luật, đồng thời, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để giám sát việc thực thi chính sách cho tốt", Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh thêm.
Có thể bạn quan tâm