Thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội

VI ANH 23/02/2024 05:00

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án thành lập quỹ về nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng.

>>Rà soát việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, hiện vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:VA

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:VA

Cần đơn giản hóa thủ tục

Những khó khăn trong việc thực hiện nhà ở xã hội cũng được một số doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị. Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes cho biết, việc thực hiện nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, với doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng mua cũng tốn thời gian. Do đó, ông Hoa kiến nghị rút ngắn thủ tục hành chính.

Cùng với đó, “thủ tục dành cho dự án nhà ở xã hội cần bằng hoặc nhanh hơn so với dự án nhà ở thương mại thì mới khuyến khích được doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở này. Nhất là về phê duyệt quy hoạch chi tiết cần làm nhanh hơn hoặc song song với quy hoạch phân khu để các dự án có thể triển khai nhanh", ông Hoa đề xuất.

>>Đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Bên cạnh các thủ tục đầu tư dành cho dự án nhà ở xã hội, một nội dung khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm là về suất đầu tư dành cho nhà ở xã hội. Nếu muốn đảm bảo chất lượng tốt, xây dựng những khu nhà ở xã hội kiểu mẫu thì suất đầu tư cũng cần tăng thêm.

Qua chia sẻ từ một số doanh nghiệp, từ năm 2021 trở về trước, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, từ ngày 13/7/2022, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 610/QĐ-BXD về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2021.

các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành khung suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình nhà ở xã hội dưới dạng chung cư. Qua rà soát, suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội thấp hơn suất vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư thương mại khoảng 25%.

Liên quan đến nội dung trên, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, lợi nhuận tối đa xây dựng nhà ở xã hội là 10%, tuy nhiên vẫn cần có các tiện ích xã hội (hầm, công trình công cộng, bãi đỗ xe..). Bởi vậy, cần điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại) lên mức tương đương với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại...

Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết, vẫn còn vướng mắc đối với nhà ở cho công nhân bởi họ có nhu cầu thuê nhiều hơn mua. Do đó, chính sách xét duyệt cần linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn để tránh tình trạng xây dựng mà không có người mua trong khi người có nhu cầu lại không được đáp ứng.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, hiện doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 8.000 căn nhà ở xã hội và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch để xây dựng tiếp 9.000 căn trong thời gian tới. Tuy nhiên, “hiện doanh nghiệp vẫn tồn kho 3.000 căn trong tổng số 8.000 căn đã hoàn thành, chủ yếu là dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp. Mặc dù các sản phẩm được đầu tư đồng bộ, giá bán và giá cho thuê khá hợp lý nhưng vẫn vướng một số quy định. Cụ thể, tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua nhà. Do vậy, đối tượng cần vẫn không được mua nhà trong khi căn hộ nhà ở cho công nhân lại vẫn “ế”. Qua đó, ông Ngọc Anh kiến nghị, cơ quan chức năng cần điều chỉnh cho phép các địa phương mở rộng đối tượng thụ hưởng nhà ở công nhân.

Đại diện địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... cũng kiến nghị đơn giản hóa trình tự, thời gian thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; nghiên cứu, quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để cho thuê (nhất là nhà ở cho công nhân)...

Đưa chính sách đi vào cuộc sống

Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở… vào cuộc sống.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các tiêu chí xác định đối tượng mua nhà ở xã hội phải được đơn giản hóa; bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp… tham gia thống kê, đề xuất để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.

Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn… Các khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn cháy nổ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu phương án, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội…

Ngoài ra, các doanh nghiệp tích cực đề xuất giải pháp để đưa chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu của Đề án là bảo đảm mọi người dân, ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Cần đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội

    Hải Dương: Cần đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội

    17:45, 22/02/2024

  • Rà soát việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    Rà soát việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    17:28, 22/02/2024

  • Đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

    Đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

    13:58, 22/02/2024

  • Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

    Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

    12:42, 22/02/2024

  • Kết quả thực hiện

    Kết quả thực hiện "Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội" ra sao?

    00:20, 22/02/2024

VI ANH