Đồng Tháp công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

THÙY LINH 22/02/2024 13:18

Đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá; đến năm 2050, Đồng Tháp dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, du lịch sinh thái, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc...

Ngày 22/2, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp.

Quy hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng, là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là cơ sở dài hạn cho công tác chỉ đạo, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

>> Đồng Tháp xây dựng chính quyền phục vụ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (thứ 2 từ phải sang) trao Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/1/ 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/1/ 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

 Để thực hiện mục tiêu tổng quát này, Đồng Tháp tập trung vào 4 nhóm mục tiêu về: kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh được đề ra với 18 mục tiêu cụ thể.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng/năm; Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%; Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%; Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp

Nhằm đạt các mục tiêu nêu trên, Đồng Tháp xác định nhiệm vụ trọng tâm là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng. Phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch.

Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với TP. Hồ Chí Minh; tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Liên kết với các tỉnh: Long An, Tiền Giang xây dựng Dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa: Để triển khai hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39/QĐ-TTg, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Đồng Tháp rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, sự đồng hành của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án đầu tư phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội nghị.

Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã điểm lại nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp, là cơ hội để lan toả về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Đồng Tháp mà còn các tỉnh ĐBSCL. Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ Quy hoạch.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp cũng là dịp rất quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Đồng Tháp phát triển trong tương lai.

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

tặng hoa cho các doanh nghiệp

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng hoa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược quan tâm, cam kết đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Quy hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện QH tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Đồng Tháp cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Đồng Tháp…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức công bố thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước, các Chiến lược quốc gia, các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI; là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

“Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, tập trung sức lực, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị tư vấn; trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân trong suốt quá trình lập Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Tháp với tầm nhìn, mục tiêu cụ thể, rõ ràng.” -  Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chia sẻ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và đoàn công tác đến dâng hoa, dâng hương, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Phường 4, TP Cao Lãnh) thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ. Dịp này, Phó Thủ tướng trồng cây nguyệt quế lưu niệm trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng Tháp: Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư

    Đồng Tháp: Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư

    16:48, 09/12/2023

  • Đồng Tháp: Đồng hành cùng doanh nghiệp

    Đồng Tháp: Đồng hành cùng doanh nghiệp

    15:24, 09/12/2023

  • Đồng Tháp: Thu hút đầu tư phát triển KKT, KCN

    Đồng Tháp: Thu hút đầu tư phát triển KKT, KCN

    16:38, 09/12/2023

  • Đồng Tháp: Tạo giá trị mới từ chuyển đổi số

    Đồng Tháp: Tạo giá trị mới từ chuyển đổi số

    18:23, 09/12/2023

THÙY LINH