Chỉ số PCI liên tục nhiều năm đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu đã tạo một hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp năng động, tích cực trong thu hút các doanh nghiệp, NĐT đến với vùng đất Sen hồng.
Đồng Tháp luôn xem cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, đột phá của tỉnh.
Để thể hiện sự quyết tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã đưa chỉ tiêu về cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025), quán triệt tư tưởng và thống nhất chỉ đạo chung. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh phải nằm trong Nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu trên cả nước.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách theo hướng đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tái cơ cấu ngành công nghiệp, Đề án phát triển du lịch, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp...
Trên cơ sở triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, Đồng Tháp cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ của địa phương ở mức tối đa theo thẩm quyền của địa phương trên các lĩnh vực như: nông nghiệp; khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch; hoạt động khoa học và công nghệ; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; khu công nghiệp… để nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực tế cho thấy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số PCI là một trong những chỉ số quan trọng, là sự soi chiếu để cải cách mạnh mẽ hơn, mang đến sự hài lòng và giá trị thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thông qua mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, Tổng đài 1022, họp mặt doanh nghiệp định kỳ...
Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, triển khai thực hiện mô hình dịch vụ hành chính công để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung theo Luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn...
Là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa. Để phát huy lợi thế, phát triển kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn thể hiện rõ quyết tâm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp Đất Sen hồng. Chương trình khởi nghiệp đã lan toả trong cộng đồng, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời trên cơ sở tận dụng, phát huy nguồn tài nguyên bản địa, tập trung vào các ngành hàng chủ lực của tỉnh, như: lúa gạo, sen, cá tra… góp phần vào tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của địa phương.
Ông Trương Hòa Châu cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai dự án đầu tư tư nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp như: hỗ trợ xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Không gian khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp…. Đặc biệt, việc triển khai chương trình “Chuyến xe khởi nghiệp Đất Sen hồng” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đơn vị, đội ngũ chuyên gia trong và ngoài tỉnh, thông qua các hoạt động đối thoại tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, nâng cao năng lực dành cho doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp... qua đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại địa phương.
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp đã mang lại kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2023, ước tính có 1.878 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.250 doanh nghiệp. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 29,5%, vượt hơn chỉ tiêu đề ra.
Để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả, trong thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trở thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học và công nghệ, hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường hoạt động kết nối các hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp và khởi nghiệp để xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm