“Xanh hoá” du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ
Là địa phương quy tụ nhiều nền văn hóa truyền thống đa dân tộc cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Nghệ An có đầy đủ hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đề án chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã xác định rõ, du lịch cộng đồng - trải nghiệm là một trong bảy loại hình du lịch chính được các cấp ngành cùng chính quyền địa phương tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển.
“Sinh khí mới” ở làng Thái cổ
Mới đây, trong chuyến đi công tác đầu tiên trong năm 2024 để tìm hiểu tiềm năng du lịch nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có dịp ghé thăm Làng du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu - nơi có phần lớn cộng đồng người dân tộc Thái sinh sống và là cái nôi của ngành nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
>>Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Anh Lang Đình Tiệp, một người con của đồng bào dân tộc Thái nơi đây hồ hởi giới thiệu: Những năm trở lại đây, bà con nhân dân bản Thái cổ Hoa Tiến và cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng nhau gìn giữ, lan tỏa, phát triển nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái thông qua mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
“Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến hình thành và phát triển không chỉ góp phần tạo sinh kế cho người dân tham gia mô hình mà còn tạo sức hút cho điểm đến của địa phương và đặc biệt là không làm nguy hại đến nền văn hóa có từ lâu đời, cảnh sắc môi trường thiên nhiên nơi đây” – anh Lang Đình Tiệp nói.
Được biết, đây là năm thứ 7 người dân bản làng Hoa Tiến làm loại hình du lịch này và hiện có khoảng 10 hộ thực hiện mô hình homestay, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Nhằm đáp ứng thị hiếu của du khách, bà con dân bản nơi đây đã tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của người dân địa phương. Không những vậy, những chủ nhân của mô hình homestay còn kết hợp với các doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành để xây dựng những chương trình thú vị, viết kịch bản cho các làn điệu dân ca, dân vũ để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia tour du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến.
Bà Lô Thị Tâm, chủ cơ sở homestay Từ Tâm ở bản Hoa Tiến cho biết: Gia đình làm dịch vụ du lịch này cũng được vài năm rồi và thấy rất vui mừng, phấn khởi khi được cùng với du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghe các làn điệu dân ca, dân vũ của người Thái, hướng dẫn làm dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc…
>>Điểm mấu chốt để phát triển du lịch cộng đồng
Ông Sầm Văn Túc – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cũng thông tin, tại Châu Tiến có bản Hoa Tiến làm du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch.
“Du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường” – ông Túc cho biết thêm.
Xu hướng mới đầy triển vọng
Không chỉ riêng bản Hoa Tiến, hiện nay, trên khắp các bản làng ở miền Tây xứ Nghệ, các đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc như: Trang phục, trang sức đặc trưng của dân tộc; kiến trúc nhà sàn cổ; văn hóa ẩm thực; làn điệu dân ca, dân vũ khắp, lăm, nhuôn… cùng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp...
Chính những điều này đã và đang góp phần tô điểm thêm cho bức tranh du lịch cộng đồng nơi đây và thu hút được đông đảo du khách thập phương đến thăm quan, trải nghiệm.
Đơn cử như tại bản Nưa, bản Pha, xã Yên Khê; điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; điểm du lịch cộng đồng làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông là những nơi đang thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế ghé thăm.
Tại đây, du khách được tham quan làng dệt thổ cẩm, ngồi vào khung dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, tiếng gà gáy và tiếng suối…
Bên cạnh đó còn thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ… Đồng thời, được trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp…
Nhận diện rõ lợi thế to lớn trên, thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch; trong đó đặc biệt nhấn mạnh hướng phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm ở các huyện vùng cao - nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều nét văn hóa đa dân tộc độc đáo và đặc sắc.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, du lịch cộng đồng đang từng bước phát triển ở các huyện vùng cao như Con Cuông, Quỳ Châu và đang mở rộng ở một số huyện khác. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Nghệ An tiếp tục đề xuất mở các lớp tập huấn về du lịch cồng đồng, tham quan, học tập các mô hình cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch “xanh”, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Lối đi nào cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Nghệ An?
03:38, 19/02/2024
Nghệ An tạo nhiều điểm nhấn cho bức tranh kinh tế trong năm 2024
01:34, 16/02/2024
Tỉnh nghèo Nghệ An lọt top 3 địa phương mua nhiều ô tô nhất cả nước
04:53, 07/02/2024
Nghệ An: Áp lực từ các khoản thuế, doanh nghiệp “kêu cứu”?
00:30, 06/02/2024
Doanh nghiệp, lực lượng vũ trang chung tay chia sẻ “Tết vì người nghèo" ở Nghệ An
16:55, 05/02/2024