FED đã chặn dòng đầu tư từ Mỹ như thế nào?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 24/02/2024 04:00

Chỉ số lạm phát tháng 1/2024 tại Mỹ như "gáo nước lạnh" dội vào lời hứa giảm lãi suất của FED. Giới đầu tư và các nước đang phát triển có ly do để lo lắng.

Thống đốc FED, ông Christopher Waller

Thống đốc FED, ông Christopher Waller

>>FED sẽ giữ đúng lời hứa?

Trong bài nói chuyện mới đây về chính sách tiền tệ tại thành phố Minneapolis tiểu bang Minesota, Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), ông Christopher Waller đã đặt ra câu hỏi làm giới đầu tư lo lắng: “Có gì phải vội vàng cắt giảm lãi suất?”.

Có nghĩa là FED vẫn còn lừng khừng về kế hoạch giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 lần tăng suốt gần 2 năm qua. Các nhà lãnh đạo cao cấp tại tổ chức tài chính này cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang “hạ nhiệt” trước khi sẵn sàng hạ lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2024 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng cao hơn dự kiến, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng, việc làm và tiền lương là những căn cứ để FED có thể ra quyết định tại cuộc họp định kỳ vào cuối tháng 3 tới.

Lãi suất của FED ở mức cao như hiện nay có thể sẽ làm cho nền kinh tế chậm lại, tương thích với chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở nhiều nơi. Nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu, nên đây chưa phải là lúc các doanh nghiệp cấp tập đưa hàng hóa sang Mỹ.

Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của nước ta, diễn biến này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.

>>FED tiết lộ câu trả lời cho định hướng chính sách tiền tệ

Lãi suất đồng USD cao đã cản trở dòng đầu tư vào các nước đang phát triển

Tiếp đến, hoạt động đầu tư tại các nước đang phát triển cũng kém triển vọng hơn, do nhà đầu tư sẽ rút vốn hoặc trì hoãn kế hoạch đầu tư để giữ tiền tại Mỹ hoặc lựa chọn đầu tư tại đây.

Hiện tại, dòng đầu tư từ Mỹ đang ngấp nghé “chảy” mạnh vào Việt Nam với rất nhiều dự án lớn về kinh tế công nghệ cao. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cần rất nhiều vốn, nên khi lãi suất đồng USD còn quá cao sẽ làm cản trở doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài.

Khi lãi suất tăng cao, việc gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các ngân hàng Mỹ sẽ thu về cho người gửi nhiều lợi nhuận hơn. Việc chạy theo lợi nhuận này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp giảm rót vốn cho các nước nghèo, ảnh hưởng đến các chương trình viện trợ nhân đạo.

Ngoài ra, việc FED trì hoãn cắt giảm lãi suất, sẽ khiến các NHTW các nước phải dè chừng trong việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bởi vậy, mọi động thái của FED liên quan đến chính sách tiền tệ sẽ thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách kinh tế Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden tái đắc cử?

    Chính sách kinh tế Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden tái đắc cử?

    04:00, 12/02/2024

  • Thêm một ngành kinh tế Mỹ

    Thêm một ngành kinh tế Mỹ "đại bại" dưới tay Trung Quốc

    04:30, 24/01/2024

  • Kinh tế Mỹ sắp “hạ cánh mềm”?

    Kinh tế Mỹ sắp “hạ cánh mềm”?

    05:00, 25/12/2023

  • Kinh tế Mỹ: Một năm nhìn lại

    Kinh tế Mỹ: Một năm nhìn lại

    04:00, 25/12/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ