Sửa Nghị định 24/2012: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
Xoay quanh vấn đề sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo chuyên gia, bỏ độc quyền, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng...
>> Sửa Nghị định 24/2012: Cần giải quyết hai vấn đề mấu chốt
Theo đó, sau hơn một thập kỷ áp dụng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã cho thấy những bất cập, tồn tại dẫn đến khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước ngày một gia tăng, cùng với đó là tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách… Do đó, yêu cầu sửa đổi Nghị định này được cho là vấn đề bức thiết nhằm đưa thị trường vàng về trạng thái bình thường liên thông với thị trường thế giới.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cần có sự thay đổi. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, hơi mang tính hành chính. Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành như pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước không nên tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.
Đặc biệt, liên quan đến nội dung sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các chuyên gia đã nhìn nhận, việc phá thế độc quyền vàng được cho là một trong những giải pháp quan trọng giúp thị trường vàng vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng.
>> Sửa Nghị định 24/2012: Cần xem xét lại cách thức quản lý
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài Chính cho rằng, phá bỏ thế độc quyền vàng, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ vận hành sát hơn với thị trường thế giới. Cụ thể, về góc độ người tiêu dùng, người dân sẽ không còn phải bán vàng miếng các thương hiệu mà mình đã mua và nắm giữ từ lâu với giá rẻ hơn vàng SJC (có thời điểm lên tới gần 15 triệu đồng/lượng dù chất lượng như nhau). Họ cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn ngoài việc mua bán, tích lũy vàng miếng SJC. Không còn tình trạng thiệt thòi khi chênh lệch vàng trong nước và thế giới có thời điểm chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng.
Khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp cũng sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách. Thêm vào đó, người dân cũng sẽ có thêm sản phẩm đầu tư đa dạng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) khi thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hoá giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng.
Nhà đầu tư không cần cầm vàng hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi tại các Trung tâm lưu ký, sẽ tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn phương thức mua bán vàng miếng truyền thống. Giá mua bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên/xuống. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Về phía các doanh nghiệp, theo PGS.TS Ngô Trí Long, khi trả vàng về cho thị trường vận hành, hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ bình đẳng hơn trước pháp luật. Ngân hàng thương mại sẽ không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với đủ điều kiện kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập. Vì chức năng cơ bản của ngân hàng thương mại là cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động tín dụng. Nếu để họ trực tiếp kinh doanh vàng sẽ dẫn tới hệ lụy dễ đầu cơ, làm giá do có lượng vốn lớn.
“Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện kinh doanh thuận lợi. Điều kiện kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp chỉ cần quy định vốn điều lệ 10 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng; Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; Có cửa hàng, mặt bằng và trang thiết bị đo lường, kiểm định vàng. Thực hiện đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, không cần giấy phép con của Ngân hàng Nhà nước. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn”, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết, chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được là vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân.
Theo ông Tú, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP sắp tới.
“Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định 24/2012: Cần giải quyết hai vấn đề mấu chốt
11:15, 23/02/2024
Sửa Nghị định 24/2012: Cần xem xét lại cách thức quản lý
11:20, 28/01/2024
Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Cần tăng tính liên thông thị trường
00:06, 28/01/2024
Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?
03:30, 04/01/2024
Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng
04:00, 28/12/2023