Hà Nội: Giá chung cư tăng vọt, giấc mơ mua nhà xa vời

VI ANH 27/02/2024 11:30

Trong thời điểm đầu năm 2024, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự gia tăng không ngừng của giá chung cư Hà Nội.

>>Nhà đầu tư quay lại thị trường địa ốc

Thực tế, giá chung cư đắt đỏ và liên tục tăng trong thời gian qua đã bỏ xa thu nhập của đại đa số người dân, khiến giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người ngày càng trở nên xa vời.

Trong thời điểm đầu năm 2024, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự gia tăng không ngừng của giá chung cư Hà Nội.

Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng trong những ngày đầu năm. Ảnh:VA

Chung cư liên tục tăng giá do đâu?

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Công ty bất động sản ABLand, từ đầu tháng 12/2023 trở lại đây, giá chung cư tiếp tục neo mức cao. Các giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp và chủ yếu là các căn hộ đã sử dụng rồi được người dân mua đi bán lại.

Điển hình như căn hộ chung cư Gemek I (Hoài Đức) có diện tích khoảng 69m2 đang được bán với giá khoảng 36 triệu đồng/m2; Eco Green (Tân Triều, Thanh Trì) được rao bán từ 43 - 45 triệu đồng/m2. Hay như một căn hộ đã qua sử dụng tại Phương Đông Green Park (Trần Thủ Độ, Hoàng Mai) cũng được rao bán với giá 48 triệu đồng/m2. Một số dự án chung cư đưa vào sử dụng từ 15 - 20 năm như Mỹ Đình Sudico (Mễ Trì) cũng có giá xấp xỉ 40 triệu đồng/m2.

>>Những địa phương nào chưa bố trí quỹ đất nhà ở xã hội?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2023, qua số liệu tổng hợp báo cáo của các địa phương và thông tin khảo sát đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Đặc biệt, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Cũng theo nghiên cứu của NetCredit về thị trường bất động sản tại Hà Nội cho thấy, thành phố đang nằm trong top 10 thủ đô trên thế giới có giá nhà cao so với thu nhập bình quân người dân vào đầu năm 2023. Giá nhà chung cư nội thành tăng đột ngột 77% trong năm qua, tương đương với 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Bước sang năm 2024, Hà Nội vẫn thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới.

Lý giải về việc giá nhà chung cư tăng liên tục, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết, nguyên nhân là bởi nguồn cung căn hộ Hà Nội trong những năm gần đây khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế, trong khi lực cầu của thị trường liên tục gia tăng, cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản ngày càng mất cân đối.

giá chung cư đắt đỏ và liên tục tăng trong thời gian qua đã bỏ xa thu nhập của đại đa số người dân, khiến giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người ngày càng trở nên xa vời.

Căn hộ chung cư giá 30 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm tại Hà Nội. Ảnh: VA

Hiện những căn hộ chung cư giá 30 triệu đồng/m2 đã “biến mất” khỏi thị trường, trong khi đó, giá nhà chung cư lại ở mức quá cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở không có khả năng tiếp cận.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đưa ra dẫn chứng về sự chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập của người dân. Cụ thể, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội thì còn dư khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng.

Đối với mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng, muốn sở hữu được một căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng cũng phải tích cóp trong 10 - 15 năm. Tuy nhiên, vấn đề là dù có ngay 1,5 tỷ đồng lúc này thì cũng không tìm thấy dự án căn hộ nào ở Hà Nội hay TP.HCM có giá bán như vậy.

Phương án nào để giảm giá nhà?

Qua đó cho thấy, việc an cư của người dân tại Hà Nội và TP.HCM là vô cùng khó khăn khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà. Do đó, các chuyên gia cho biết, cách tốt nhất để hạ giá nhà hiện nay là phải tăng nguồn cung.

Để làm được điều này, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cần thực hiện hai bước quan trọng. Đầu tiên là loại bỏ vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án nhằm đảm bảo rằng các dự án này có thể được triển khai và xây dựng. Tiếp đến là giải quyết "bài toán" tín dụng và kích thích dòng tiền qua việc thúc đẩy các chính sách hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thực, giúp doanh nghiệp phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu này.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần giải quyết các khó khăn để xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phải chăng, từ đó mới gia tăng nguồn cung. Bởi hiện người có thu nhập trung bình muốn mua nhà cũng không có nơi để mua do nguồn cung không đủ, trong khi đó nguồn cung nhà ở cao cấp lại đang thừa.

Ngoài ra, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam chia sẻ, mức giá có thể giảm khi chúng ta tăng hơn nữa tỷ trọng nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân, giảm tỷ trọng nguồn cung căn hộ cao cấp. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc giảm giá thì thúc đẩy giao dịch, thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ lãi suất là điều cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực “phá băng” thị trường bất động sản

    Tín hiệu tích cực “phá băng” thị trường bất động sản

    04:00, 26/02/2024

  • Bất động sản Tây Nam Bộ: Tiềm năng trỗi dậy từ đầu tư công

    Bất động sản Tây Nam Bộ: Tiềm năng trỗi dậy từ đầu tư công

    04:00, 25/02/2024

  • “Nóng” nghị trường gặp mặt doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam

    “Nóng” nghị trường gặp mặt doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam

    12:46, 24/02/2024

  • Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản

    Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản

    05:00, 24/02/2024

  • Nhà đầu tư bất động sản không còn ở thế

    Nhà đầu tư bất động sản không còn ở thế "phòng thủ"

    00:01, 23/02/2024

VI ANH