Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Nên tính đến yếu tố vùng miền
Xoay quanh những bất cập, lỗi thời của mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, để đảm bảo hài hòa mặt bằng giá cả, theo chuyên gia, mức giảm trừ nên tính đến yếu tố vùng miền...
>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Kích thích gia tăng tiêu dùng trong nước
Theo đó, từ khi ra đời và có hiệu lực, việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, từ ngày 01/01/2009 (thời điểm có hiệu lực), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Tại lần sửa đổi đầu tiên, ngày 01/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Tới kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng và duy trì cho tới hiện nay.
Trước hiện trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh thay đổi được 2 năm, thì cũng đã không phù hợp với mức sống thực tế của người dân. Chưa kể đến thời điểm này, sau 4 năm, với tình hình lạm phát và mặt bằng giá cả theo thực tế, thì mức giảm trừ gia cảnh đã quá “lạc hậu”.
Thực tế cho thấy, theo khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với cùng kỳ 2022. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân).
Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.
>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Cân nhắc đảm bảo phù hợp với tốc độ trượt giá
Ngoài ra, bình quân mỗi người dân chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2022 lên gần 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng.
Vì thế, một số ý kiến đã đề xuất, có thể nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, và 8 - 10 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Cùng với đó, cần tính đến yếu tô vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh đã “lỗi thời quá mức” cần phải sửa ngay lập tức cho phù hợp với biến động thực tế. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi cần có tính toán khoa học hơn trên cơ sở các khảo sát đánh giá để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp.
“Có chuyên gia tính toán lấy hệ số lương cơ bản, nhân với 2,2 để tính ra mức khởi điểm cho người đóng thuế là 20 triệu, đồng thời, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên cao cho phù hợp, tôi nghĩ đây cũng là một ý kiến, nhưng cần phải dựa trên sự tính toán khoa học, có luận chứng rõ ràng. Thuế là công cụ công bằng, hiệu quả, và phải triển khai công khai, minh bạch để khuyến khích người dân nộp thuế, chứ không phải để ép buộc. Nếu thuế thu cao quá, sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của người dân, còn nếu thu thấp quá, lại không đảm bảo ngân sách. Vì thế, cần có điều tra, tính toán cụ thể”, PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải có mức bình quân cho từng vùng khác nhau, vì mức sống ở thành thị và nông thôn sẽ rất khác nhau, đặc biệt là nếu so sánh nông thôn, miền núi với các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có sự chênh lệch rõ rệt, vì thế không thể “cào bằng” các vùng miền.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xem xét có thể không đưa ra quy định “cứng” về mức giảm trừ gia cảnh như hiện tại mà nên theo công thức theo mức lương cơ sở hay thu nhập của người dân. Thậm chí, cần xem đây là một chính sách để điều hành nên có thể thay đổi hàng năm.
Được biết, chia sẻ xoay quanh vấn đề về thuế thu nhập cá nhân mới đây, thông tin với báo chí, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân, cùng với việc xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thì Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: Ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần, mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao; hay chính sách thuế đối với các khoản thu nhập mới phát sinh,... để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Kích thích gia tăng tiêu dùng trong nước
11:20, 26/02/2024
Thuế thu nhập cá nhân: Sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn
22:08, 25/02/2024
Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Cân nhắc đảm bảo phù hợp với tốc độ trượt giá
04:00, 24/02/2024
Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
04:00, 11/09/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
04:00, 07/08/2023