Trong bối cảnh giá cả của hàng hóa, dịch vụ không ngừng “leo thang” những năm qua, theo chuyên gia, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cần đảm bảo phù hợp với tốc độ trượt giá…
>> Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
Theo đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Chỉ đạo này của Chính phủ ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi thực tế nhiều năm qua, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được cho đã “lỗi thời” không theo kịp biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát,… dẫn đến tạo “gánh nặng” cho người nộp thuế.
Thực tế cho thấy, từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh mới chỉ được điều chỉnh hai lần. Và lần điều chỉnh gần đây nhất là vào tháng 7/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) ở mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ này trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp, nhất là khi giá cả của hàng hóa, dịch vụ không ngừng “leo thang” trong những năm qua.
Theo khảo sát của Numbeo (trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống) công bố tháng 8/2022 cho thấy, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người tại Việt Nam (không tính tiền thuê nhà) là hơn 37,6 triệu đồng. Đặc biệt, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một người là khoảng 10,5 triệu đồng, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt trung bình cho gia đình 4 người là khoảng 40 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà) và chi phí trung bình của một người không tính tiền thuê nhà ở mức khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Trong khi đó, theo quy định, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Mức này thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi, chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
Đơn cử, chi phí giáo dục, y tế - đây là một trong số những khoản chi phí lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng mạnh thời gian qua. Cụ thể, tháng 10/2022, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35% so với tháng 9, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang dự kiến đến cuối năm 2024, tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh thêm 9%, trong đó, chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý…
Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cũng từng thừa nhận, mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, nhất là khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 – 30% từ sau dịch COVID-19 thì mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay lại là thấp.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, việc Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN được cho là một tín hiệu đáng mừng, nhất là khi lộ trình thực hiện sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân được đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026. Vậy, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay như thế nào để đảm bảo phù hợp?
Xoay quanh vấn đề này, thông tin với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, nguyên tắc cốt lõi của thuế TNCN phải đánh vào những người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.
Hiện nay, Luật Thuế TNCN của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế TNCN về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%.
“Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế. Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng đề xuất, có thể nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, và 8 - 10 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Cùng với đó, cần tính đến yếu tố vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp, bởi, mức sống nhiều tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai,… không thể giống như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm
Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
04:00, 11/09/2023
Tăng mức giảm trừ gia cảnh - Biện pháp hỗ trợ người nộp thuế giảm “gánh nặng”
11:00, 10/07/2023
Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Giảm “gánh nặng” cho người nộp thuế
04:00, 25/06/2023
Đề nghị xem xét tăng 25% mức giảm trừ gia cảnh
17:23, 24/06/2023
Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay thời điểm này
03:30, 28/05/2023
Được biết, liên quan đến vấn đề này, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2023, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN.