Trong khi chờ sở đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, cần cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm “gánh nặng” cho người nộp thuế hiện nay…
>> Bất cập thuế thu nhập cá nhân - Cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh
Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, theo đó, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất trong 12 lần điều chỉnh từ trước tới nay, tương đương tăng 20,8%.
Tăng lương là điều đáng mừng, nhưng nhiều người cũng không khỏi băn khoăn bởi như đã thành quy luật, mỗi lần tăng lương giá các mặt hàng tiêu dùng và lạm phát sẽ tăng theo, đặc biệt khi những bất cập của thuế thu nhập cá nhân chưa được giải quyết, thì kèm với việc tăng lương, “gánh nặng” cho người nộp thuế cũng dần cao hơn.
Thực tế, tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 được trình bày tại Quốc hội ngày 22/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời lưu ý một số nội dung.
Một trong những nội dung cần lưu ý là theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tại Phiên họp thứ 23 diễn ra đầu tháng 5/2023.
Chưa bao giờ, những bất cập liên quan đến thuế thu nhập cá nhân lại “nóng” như hiện nay, nhất là khi đây là vấn đề đã được đề cập và nhận diện từ năm 2017 nhưng đến nay “vẫn đâu hoàn đấy”. Đáng nói, “nóng” là như vậy nhưng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc chưa sửa được Luật Thuế thu nhập cá nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh để khoan thư sức dân, giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế...
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương
Thông tin với báo chí, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, nâng mức giảm trừ gia cảnh ở thời điểm hiện nay là cần thiết để góp phần giảm gánh nặng cho người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng và thể hiện rõ chủ trương “khoan thư sức dân”.
Theo ông Long, từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc, đây là mức tăng rất ít ỏi sau 7 năm duy trì mức 9 triệu và 3,6 triệu đồng. Đến nay, mức giảm trừ gia cảnh này rất lạc hậu so với mức sống của người dân, đặc biệt người dân ở các thành phố lớn.
“Giả sử một người mẹ nuôi 1 con và có thu nhập 20 triệu đồng/tháng sống ở Hà Nội sẽ rất chật vật. Trong trường hợp phải đi thuê nhà, mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng đòi hỏi phải chi tiêu hết sức chắt chiu, chấp nhận cuộc sống rất thiếu tiện nghi như: thuê nhà giá rẻ, con chỉ học ở trường không học ngoại khóa, thậm chí không dám đau ốm… mà vẫn phải trích một phần thu nhập để đóng thuế là rất cơ cực và chưa thỏa đáng. Do đó, cần tính toán thực chất chi phí cuộc sống của người dân đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua và hiện ở mức nào để có con số tính toán mức giảm trừ gia cảnh hợp lý”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đã nêu, TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cũng nhận định, ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… chi phí sinh hoạt của người dân cao nên mức tính thuế thu nhập cá nhân như hiện nay và mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp. Nếu thuế không phù hợp, người đóng thuế sẽ thấy khó khăn từ đó không kích thích được việc sáng tạo, thậm chí không có động lực làm việc.
Còn theo Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, những bất cập về mức giảm trừ gia cảnh thấp đã được đề cập nhiều năm nay nhưng chưa thấy sửa đổi một cách căn bản. Nếu dựa vào chỉ số CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân thì phải chờ đến nhiều năm nữa mới có thể điều chỉnh được mức này. Đó là chưa kể khi vừa ban hành sẽ lại không còn phù hợp với thực tế như đã từng xảy ra.
“Mỗi năm Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, thu nhập của người nộp thuế vì vậy cũng được điều chỉnh tăng lên. Vậy tại sao cơ quan chức năng không dựa vào mức này để quy định mức giảm trừ gia cảnh tính thuế cho linh hoạt với tình hình thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh có thể bằng 5 tháng lương tối thiểu vùng, khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo”, ông Xoa đề xuất.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn nhiều quy định bất cập cần chỉnh sửa, chẳng hạn cần tăng mức thu nhập tính thuế đối với thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng trước khi trừ thuế 10%; quy định lại mức thu nhập xác định người phụ thuộc lên cao hơn 1 triệu đồng/tháng như hiện nay; đối với cá nhân kinh doanh, doanh thu năm trên 100 triệu đồng, chứ không thể bán 6 tô phở đã phải đóng thuế như hiện nay,…
Có thể bạn quan tâm
Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay thời điểm này
03:30, 28/05/2023
Bất cập thuế thu nhập cá nhân - Cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh
03:50, 22/05/2023
Kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh: Đúng thực tiễn, hợp lòng dân
00:06, 12/05/2023
Bất cập "giảm trừ gia cảnh"
17:19, 12/03/2023
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán rõ ràng
23:03, 14/02/2023