Thu hút kiều hối vào bất động sản
Dòng vốn kiều hối về Việt Nam đang dần trở thành một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, có thể đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của bất động sản trong nước.
>>Bất động sản nghỉ dưỡng đón dòng kiều hối tỷ USD đổ về Việt Nam
Việt Nam hiện đang nằm trong số 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), 3 năm gần đây, Việt Nam đã thu được từ 17 - 18 tỷ USD kiều hối/năm và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024.
Nhu cầu sở hữu bất động sản lớn
Thống kê của Bộ Xây dựng chỉ ra, có khoảng 4 triệu người (bao gồm cả người nước ngoài và người Việt kiều) đang có ý định mua nhà ở Việt Nam trong tương lai. Không chỉ gửi ngoại tệ về cho gia đình tại Việt Nam như những năm qua, Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới đang ngày càng quan tâm tới đầu tư về Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, có khoảng 600 - 700 nghìn doanh nhân với trí thức trình độ cao, trong đó nhiều người (đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên) có mong muốn trở về quê hương để sinh sống, đầu tư kinh doanh và gắn bó với đất nước. Do đó, nhu cầu sở hữu căn nhà ở quê hương để quay về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh của người Việt kiều là vô cùng lớn.
>>Tín hiệu tích cực từ dòng tiền đổ vào bất động sản
Tính đến tháng 11/2023, đã có 421 dự án của người Việt kiều tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 1,72 tỷ USD.
Con số này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm trên toàn cầu nhờ tiềm năng và lợi thế của mình.
Qua đó, theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường bất động sản tại Việt Nam trong cơ cấu đầu tư của kiều hối có nhiều khả năng sẽ tăng cao. Đặc biệt trong bối cảnh giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
Chờ cơ hội từ Luật Đất đai
Trong chính sách phát triển của Việt Nam, kiều hối được xem là một nguồn lực quan trọng mà nền kinh tế đón nhận mỗi năm. Những thay đổi từ Luật Đất đai mới đây có thể bổ sung thêm lực đẩy giúp nhu cầu đầu tư vào bất động sản của Việt kiều cải thiện trong thời gian tới.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhằm khuyến khích cũng như góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước. Đồng thời, các quy định mới cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Cụ thể, tại Điều 4 của Luật Đất đai 2024 quy định về người sử dụng đất được bổ sung nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).
Theo TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế, trước đây, đối với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song với quy định mới trong Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở.
Điều này được xem là hợp lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI đang chảy mạnh vào thị trường, lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.
Tại Điều 28 của Luật Đất đai 2024 cũng quy định, người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).
Ngoài ra, Điều 41 và Điều 46 của Luật Đất đai 2024 quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường bất động sản.
Trước đó, những khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều gặp khó khăn trong mua bán bất động sản. Điển hình, dù quy định cho phép Việt kiều mua bất động sản tại Việt Nam nhưng nhiều người phải ủy quyền cho người thân làm chủ sở hữu tài sản.
Do đó, vị chuyên gia chỉ rõ việc sửa đổi của Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản, qua đó sẽ giúp thu hút thêm nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tự hào Việt Nam là động lực thu hút kiều hối
05:16, 06/02/2024
Bất động sản nghỉ dưỡng đón dòng kiều hối tỷ USD đổ về Việt Nam
08:00, 15/04/2022
Cận Tết bất động sản hút mạnh dòng kiều hối
03:00, 24/01/2022
Khơi thông nguồn vốn bất động sản: Cần tiếp tục gỡ về… pháp lý
03:30, 29/02/2024
Tín hiệu tích cực “phá băng” thị trường bất động sản
04:00, 26/02/2024
Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản
05:00, 24/02/2024