Đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu để phát triển
TP Hồ Chí Minh xác định việc quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của TP trong thời gian tới.
>>> TP.HCM và 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch, gồm quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh.
Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Do vậy việc nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị của sông Sài Gòn trong quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức rất có ý nghĩa.
Với độ dài 256 km, riêng đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh là khoảng 80 km, sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Lãnh đạo TP nhiều lần khẳng định mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này.
Các chuyên gia nhấn mạnh tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ địa phương, bao gồm các hoạt động như du lịch sông nước, văn hóa và giải trí, kinh tế đêm; kinh tế dịch vụ dẫn dắt vùng như thương mại, dịch vụ kinh doanh, logistics; kinh tế xanh và số hướng đến tương lai với các giải pháp kỹ thuật số nhằm tăng hiệu suất và tối ưu nguồn tài nguyên cho các doanh nghiệp và thành phố; phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế và bất động sản.
“Chúng tôi nhận định sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình. Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, là xương sống trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh, nhằm đạt được tầm nhìn phát triển của thành phố" – chuyên gia AVSE Global nhấn mạnh.
>>Xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn nối các tỉnh: “Bài toán” quy hoạch
Việc phát triển sông Sài Gòn nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch sông Sài Gòn và triển khai các nhóm việc sau chuyến tham quan sông Sein của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6/2023.
Theo đó, sau cuộc khảo sát của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại Paris, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cùng với liên danh tư vấn gồm AVSE Global và IPR đã xây dựng ý tưởng, định hướng và phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn, vận dụng kinh nghiệm quy hoạch quản lý sông Seine vào nghiên cứu các quy hoạch mà TP đang thực hiện. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu.
Phân khu 1 - Khu Bắc kết nối bản sắc. Khu này là đoạn sông băng qua Củ Chi và Bến Cát dài hơn 48 km. Khu vực này chủ yếu là nông thôn kéo dài. Nơi đây được dự định phát triển hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2 - Giao diện trù phú bao trùm. Đoạn này ngắn hơn đoạn 1 và phần lớn nằm ở ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Sông Sài Gòn đi qua cảnh quan đặc trưng của vùng ven đô thị. Nơi đây dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn bằng cách xác định rõ ranh giới rõ ràng hơn giữa 2 khu vực này.
Phân khu 3 - Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc, dài 13,5km, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Hà Nội. Khu vực này được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha. Tái phát triển cảng Phước Long.
Phân khu 4 - Khu trung tâm cánh cửa tương lai, dài 16km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Đây là lối vào trung tâm đô thị TP Hồ Chí Minh, đi qua một vài quận huyện lâu đời và đông dân nhất. Đây cũng là đoạn đang được cải tạo mạnh mẽ nằm bên cánh phải bờ sông, nhưng bên TP Thủ Đức lại kém phát triển hơn, nhất là khu bán đảo Thủ Thiêm còn dang dở. Khu vực này được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng. Trong đó, Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực đô thị này.
“Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho thành phố trong 30 năm tới” - chuyên gia AVSE Global nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Xác định 3 trụ cột xuyên suốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%
15:10, 29/02/2024
TP.HCM sẽ đầu tư hơn 56.000 tỉ để kết nối các nút giao cao tốc, vành đai
13:15, 27/02/2024
Hàng loạt dự án căn hộ chung cư sắp mở bán tại TP.HCM
03:00, 27/02/2024
TP.HCM và Hà Nội sẽ đón lượng lớn nguồn cung văn phòng mới
20:32, 26/02/2024
TP.HCM cảnh báo nguy cơ cháy nổ vào mùa khô tăng cao
01:14, 26/02/2024