Triển vọng tươi sáng cho ngành cao su Việt Nam

ĐÌNH ĐẠI 06/03/2024 04:30

Trái ngược với tình hình ảm đạm của năm 2023, ngay trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su Việt Nam đã tăng gấp đôi, giá cao su cũng tăng cao, mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành cao su Việt Nam.

>>>Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 1/2024 ở mức 1.404 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 12/2023 và tăng 3,7% so với tháng 1/2023...

Xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh trong tháng đầu năm.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh trong tháng đầu năm.

Trên thị trường thế giới, hiện giá cao su tự nhiên đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cùng với sản lượng kém ở Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới.

Theo đó, giá cao su RSS3 sàn Tocom – Tokyo kỳ hạn tháng 5/2024, hợp đồng mở, giao dịch với mức giá 328,30 yên/kg, tăng gần 10% so với giá mở cửa phiên giao dịch ngày 5/3. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng 7 năm qua. Trên các thị trường châu Á khác, giá cũng đồng loạt tăng cao.

Trong khi đó, Giá cao su tự nhiên sàn SHFE - Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 hiện đạt 13.780 Nhân dân tệ/tấn. Trong khi, giá cao su TSR20 sàn SGX - Singapore, hợp đồng giao tháng 3 đạt giá 152,60 USD/kg, cao nhất trong vòng hơn một năm qua.

Theo giới chuyên gia, có hàng loạt các yếu tố cùng lúc tác động đầy giá cao su tăng lên, trong đó, yếu tố phải kể đến là doanh số bán ô tô đang bùng nổ ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong nửa đầu năm 2023, doanh số bán ô tô mới chủ yếu dao động ở mức thấp 2 triệu xe mỗi tháng. Đến tháng 11/2023, doanh số bán hàng đã tăng 27,4% so với một năm trước đó lên 2,97 triệu xe, sau đó lên 3,15 triệu vào tháng 12/2023, tăng 23,5%. CAAM dự kiến, doanh số bán ô tô của nước này năm 2024 sẽ tăng lên khoảng 31 triệu xe.

Doanh số bán ô tô tăng cao thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên. Theo Michelin, vào tháng 12/2023, nhu cầu lốp dành cho xe mới của Trung Quốc đã tăng 30% so với một năm trước đó. Các nhà phân tích và nhà kinh doanh cao su nhận định giá nguyên liệu sản xuất lốp xe này sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao trong thời gian tới.

Đối với xuất khẩu cao su của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến xuất khẩu cao su. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lo lắng về căng thẳng Biển Đỏ và giá cước vận chuyển tăng, thì ngành cao su sẽ ít chịu tác động từ vấn đề này, do thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Trong năm 2024, toàn ngành cao su đặt mục tiêu xuất khẩu cao su đem về kim ngạch 3,3 - 3,5 tỷ USD.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam qua các năm - Nguồn

Xuất khẩu cao su của Việt Nam qua các năm - Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá ngành cao su Việt Nam và các doanh nghiệp lớn trong ngành có những triển vọng tương đồng như: Thứ nhất, giá bán tiếp tục phụ thuộc vào giá bán cao su tự nhiên thế giới; Thứ hai, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tiêu thụ; Thứ ba, nguồn cung tăng trưởng chậm dần và duy trì ổn định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn trong ngành – đặc biệt là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR) có khả năng chuyển sang mảng kinh doanh có giá trị kinh tế cao hơn, trong khi, tiêu điền nói riêng và ngành cao su Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ thế giới.

Đối với ngành cao su tự nhiên Việt Nam, nguồn cung đến từ diện tích trong nước và nhập khẩu, nhu cầu phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, trong khi, nội địa không chiếm tỷ trọng đáng kể. Giai đoạn 2011 – 2022, nhu cầu của ngành cao su tự nhiên Việt Nam ước tính tăng trưởng ở mức CAGR = +8,8%/năm, và tốc độ tăng trưởng có diễn biến tương đồng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc - thị trường chính của Việt Nam.

Riêng nguồn cung được bù đắp bằng nguồn nhập khẩu khi diện tích trong nước đã chững lại, nguồn cung nội địa của ngành tăng trưởng chậm hơn so với nhu cầu và chỉ đạt ở mức CAGR = +4,7%/năm. Với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới như hiện tại, FPTS cho rằng, ngành cao su Việt Nam có thể dễ dàng tiêu thụ, do vậy tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn cung và giá bán.

Chuyên gia phân tích của FPTS cũng dự báo năm 2024, giá cao su tự nhiên tăng 3,6%, đạt khoảng 1.512 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn cung tăng chậm do năng suất sụt giảm gây ra bởi hiện tượng El Nino kéo dài; nhu cầu ngành săm lốp hồi phục tại Trung Quốc, giá cao su tổng hợp tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su

    Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su

    04:25, 22/11/2022

  • Giá mủ tăng cao, doanh nghiệp ngành cao su lãi lớn

    Giá mủ tăng cao, doanh nghiệp ngành cao su lãi lớn

    05:00, 28/11/2021

  • Bất chấp thách thức COVID-19, ngành cao su về đích sớm

    Bất chấp thách thức COVID-19, ngành cao su về đích sớm

    07:31, 27/11/2021

  • Mỹ bác áp thuế phá giá lốp xe Việt, cổ phiếu ngành cao su hấp dẫn trở lại

    Mỹ bác áp thuế phá giá lốp xe Việt, cổ phiếu ngành cao su hấp dẫn trở lại

    05:45, 24/02/2021

  • Doanh nghiệp ngành Cao su sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Doanh nghiệp ngành Cao su sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    05:01, 19/05/2020

ĐÌNH ĐẠI