Giá mủ tăng cao, doanh nghiệp ngành cao su lãi lớn

ĐÌNH ĐẠI 28/11/2021 05:00

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong khi nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá “vàng trắng” tăng cao từ đầu năm, kéo theo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất và xuất khẩu cao su tăng trưởng mạnh.

>>>Mỹ bác áp thuế phá giá lốp xe Việt, cổ phiếu ngành cao su hấp dẫn trở lại

Giá tăng do thiếu nguồn cung

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 10 tháng của năm 2021 đạt 1,49 triệu tấn, đem về 2,47 tỷ USD; tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, song đây vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Các thị trường khác tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Canada…

Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm tăng cả về khối lượng và giá trị

Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm tăng cả về khối lượng và giá trị.

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá cao su trên thế giới đã đảo chiều tăng trên sàn Nhật Bản và Trung Quốc, nhờ giá dầu tăng phi mã đã kéo theo giá cao su tăng mạnh. Đến phiên ngày 9/11, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch Osaka đã đạt mức 222,2 JPY/kg; giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt 13.965 CNY/kg. 

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, khai thác cao su thiên nhiên trên toàn thế giới năm 2021 dự kiến là 13,86 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến là 14,166 triệu tấn.

Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,86 triệu tấn, tăng 2,0% so với năm 2020. Số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 240 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng rất mạnh trong năm nay. Ngoài ra do nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Cụ thể, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận doanh thu quý III/2021 đạt 6.151 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Giá vốn giảm 17% nên lợi nhuận gộp tăng 67% đạt 2.089 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 20,3% lên 34%.

"Vàng trắng" tăng giá, kéo theo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành cao su tăng trưởng mạnh.

Trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận thuần, sản xuất và kinh doanh mủ cao su đóng góp lớn nhất với lần lượt 4.346 tỷ đồng và 1.147 tỷ đồng. Mảng chế biến gỗ đóng góp doanh thu 632 tỷ và lợi nhuận 145 tỷ đồng. Sản xuất và kinh doanh sản phẩm cao su đem về 537 tỷ đồng doanh thu và 87 tỷ đồng lợi nhuận. Mảng bất động sản tuy chỉ ghi nhận 315 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận thuần 172 tỷ đồng, biên lợi nhuận thuần đạt cao nhất với 54,6%.

>>>Bất chấp thách thức COVID 19, ngành cao su về đích sớm

Tuy nhiên, chi phí tài chính giảm 48% xuống còn 1.076 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 14,5% xuống còn 116 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 421,4 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.533,5 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, GVR đạt doanh thu hợp nhất 16.712 tỷ đồng tăng 38% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 3.815 tỷ đồng, tăng 87,8% so với cùng kỳ 2020.

Năm 2021, GVR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.564 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng đầu năm, GVR đã hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 83,6% kế hoạch lợi nhuận.

Tương tự, Công ty CP Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC), có doanh thu và lợi nhuận quý III/2021 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của TNC đạt hơn 12 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn đến từ việc bán mủ cao su. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của TNC đạt hơn 38 tỷ đồng, tương tự cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 34 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ, nhưng vượt 13,7% so với chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của TNC ghi nhận giá trị 423,4 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Đáng chú ý, TNC đang có 180 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Công ty cũng đang có xấp xỉ 5 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, phần lớn là dự phòng khoản phải thu với Công ty TNHH một thành viên Phát Hưng Tây Ninh (4,4 tỷ đồng).

Về nợ phải trả, tính đến cuối quý III, TNC ghi nhận tổng số nợ xấp xỉ 90 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm. Nguyên nhân là Công ty hạch toán gần 40 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận phải trả vào khoản mục phải trả ngắn hạn khác. Báo cáo tài chính cũng cho thấy, TNC không có bất kỳ khoản vay và nợ thuê tài chính nào, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB), với doanh thu thuần quý III/2021 đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%. Giá vốn giảm 32% nên lợi nhuận gộp gấp 4 lần đạt 132 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,3% lên 49,8%.

Công ty cho biết nhờ tình hình kinh tế đang phục hồi, giá bán mủ cao su tăng cao hơn so với cùng kỳ. Giá bán mủ cao su bình quân quý III đạt 38 triệu đồng/tấn, tăng 28,2% so với quý III/2020. Giá vốn giảm nhờ sản lượng khai thác tăng làm giá thành giảm.

Cùng với đó, lợi nhuận hoạt động khác đạt 70 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước nhờ lợi nhuận từ thanh lý cây cao su tăng. Các yếu tố trên đã giúp lợi nhuận sau thuế của RTB đạt 159 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của RTB đạt 641 tỷ đồng, tăng 74%; biên lãi gộp cải thiện từ 10,7% lên 39,7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 296 tỷ đồng, tăng 282% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 2.698 đồng, tăng 194%. Doanh nghiệp thực hiện vượt 36% kế hoạch doanh thu và vượt 148% kế hoạch lợi nhuận năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất chấp thách thức COVID 19, ngành cao su về đích sớm

    Bất chấp thách thức COVID 19, ngành cao su về đích sớm

    07:31, 27/11/2021

  • Mỹ bác áp thuế phá giá lốp xe Việt, cổ phiếu ngành cao su hấp dẫn trở lại

    Mỹ bác áp thuế phá giá lốp xe Việt, cổ phiếu ngành cao su hấp dẫn trở lại

    05:45, 24/02/2021

  • Doanh nghiệp ngành Cao su sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Doanh nghiệp ngành Cao su sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    05:01, 19/05/2020

  • Cổ phiếu ngành cao su còn cơ hội bứt phá?

    Cổ phiếu ngành cao su còn cơ hội bứt phá?

    11:00, 22/05/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá mủ tăng cao, doanh nghiệp ngành cao su lãi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO