Ngân hàng trước yêu cầu siết tín dụng ưu đãi cho lãnh đạo, doanh nghiệp "sân sau"

LÊ MỸ 06/03/2024 03:50

Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho một số đối tượng liên quan lãnh đạo… với lãi suất ưu đãi.

>>>Nghị quyết 43 và hiệu quả chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất

Theo Công điện số 18 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ theo đúng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo NHNN thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

>>>Tăng trưởng tín dụng giảm, NHNN tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng, bao gồm cả vốn tín dụng ngoại tệ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ. Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.

NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn. 

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đang chậm, nhưng các TCTD kỳ vọng sẽ tăng nhanh bắt đầu từ quý II

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đang chậm, nhưng các TCTD kỳ vọng sẽ tăng nhanh bắt đầu từ quý II

Các TCTD đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng kinh doanh hiệu quả và các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các TCTD cần tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Như vậy, tiếp nối các công điện trước từ cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD siết cấp tín dụng sân sau. Trước đó, ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo NHNN đã khẳng định chính sách đối với tín dụng năm nay của NHNN là điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, năm 2024 sẽ siết chặt cho vay sân sau, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.

Tại cuối tháng 2/2024, sau 2 tháng triển khai phân bổ, giao mức chỉ tiêu tín dụng cho tất cả tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, NHNN theo dõi thấy tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.

Lãnh đạo NHNN cho biết, nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Sang tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.

Bên cạnh đó, năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng như: Có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành. NHNN sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo hướng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.

Về phía các TCTD, với thanh khoản hệ thống đồi dào và tín dụng tuy chậm nhưng có tín hiệu tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn, các TCTD kỳ vọng cùng có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu vốn sẽ tăng lên thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn.

Liên quan đến các yêu cầu, đôn đốc siết chặt tín dụng không cho vay ưu đãi đối với lãnh đạo, người có liên quan, người thân hay doanh nghiệp sân sau..., một lãnh đạo nhà băng cho biết hiện nay các TCTD đều tuân thủ các quy định, chủ trương xuyên suốt của Chính phủ và NHNN. "Đối với các NH lớn, các kỳ báo cáo và ĐHCĐ đều có báo cáo về tỷ lệ cho vay người có liên quan lãnh đạo và cổ đông. Ở nhiều NHTM, tỷ lệ này thấp dưới quy định". 

Tuy vậy, một chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mà trên sổ sách giấy tờ các NHTM không có tình trạng sở hữu chéo và sở hữu vượt tỷ lệ quy định của Luật, nhưng đâu đó vẫn có tình trạng ủy thác sở hữu mà chính Lãnh đạo NHNN cũng đã đề cập, thì theo đó việc rà soát cấp tín dụng các đối tượng liên quan này là cần thiết. 

Ngoài ra, ông cũng cho rằng trong hệ thống cũng đang có những trường hợp cho vay các đối tượng liên quan như người thân lãnh đạo NH, nhưng trên hồ sơ vay đảm bảo các tiêu chuẩn thẩm định và xét duyệt như khách hàng vay thông thường.

"Đối với các trường hợp người thân lãnh đạo NH nhưng đạt chuẩn vay và đủ điều kiện để tiếp nhận vốn vay lãi suất ưu đãi, nhưng không được cấp, thì đây có thể là hạn chế của chính các ngân hàng. Thời gian qua đã có trường hợp lãnh đạo ngân hàng công khai chia sẻ về việc người thân vay vốn mua nhà tại chính nhà băng này với lãi suất từ 5,9%...", chuyên gia đề cập.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng Nhà nước: Năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%

    Ngân hàng Nhà nước: Năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%

    10:10, 03/01/2024

  • Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài cuối: Giải pháp phòng ngừa

    Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài cuối: Giải pháp phòng ngừa

    11:00, 30/08/2022

  • Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 3: Chiêu trò “tráo sổ, tráo người”

    Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 3: Chiêu trò “tráo sổ, tráo người”

    03:50, 24/08/2022

LÊ MỸ