Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 3: Chiêu trò “tráo sổ, tráo người”

NGUYỄN GIANG 24/08/2022 03:50

Những năm gần đây, cơ quan chức năng liên tục triệt phá nhiều vụ án lừa đảo bằng “sổ đỏ ma”, tinh vi hơn, các đối tượng còn “tráo sổ, tráo người” khiến ngân hàng cũng sập bẫy…

>>Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 1: Những “nguy cơ” từ nội bộ

Theo cơ quan chức năng, những sổ đỏ giả bị phát hiện được đối tượng làm rất tinh vi. Nếu không có nghiệp vụ thì rất khó để phát hiện. Bên cạnh đó, còn một thủ đoạn khá quỷ quyệt là đánh tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả, sau đó, các đối tượng  sử dụng những “sổ đỏ ma” này đi lừa đảo, thậm chí còn ngang nhiên đem thế chấp ngân hàng để chiếm đoạt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

hihihi

Những sổ đỏ giả trong đường dây của Vũ Quý Lãm sử dụng để lừa đảo. Ảnh: CACC

“Tráo sổ, tráo người” - ngân hàng “sập bẫy”

Theo đó, bằng các phương thức mới và kỳ công, Vũ Quý Lãm và đồng bọn đã thực hiện trót lọt hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, các đối tượng đã gây ra 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 5,6 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, trong vụ án này, cho đến thời điểm bị bắt, nhiều nạn nhân vẫn chưa biết mình bị lừa do việc công chứng mua bán và sang tên sở hữu đất tại các Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện suôn sẻ.

Ngày 9/5 vừa qua, sau 2 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Hà Nội đưa ra phán quyết với 11 bị cáo trong đường dây này,  cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã chiếm đoạt hơn 22 tỉ đồng của một ngân hàng và các cá nhân.  Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Cường (36 tuổi, trú huyện Sóc Sơn) 19 năm 6 tháng tù về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Cùng hai tội danh với bị cáo Cường, 8 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 8 đến 17 năm tù.

Trong vụ án này, Vũ Quý Lãm (36 tuổi) - cựu cán bộ công an (trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) - bị cáo buộc là chủ mưu cùng 11 bị cáo trên tham gia 11 vụ đánh tráo sổ đỏ và lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Lãm đang bị cơ quan điều tra truy nã.

Theo cáo buộc, Lãm dùng thủ đoạn lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua. Lãm sau đó yêu cầu bên bán gửi ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin để làm sổ đỏ giả. Khi gặp chủ đất, nhân lúc họ không để ý, Lãm đã đánh tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả đã chuẩn bị từ trước. Khi có sổ thật, Lãm phân công các đồng phạm làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác.

>>Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 2: Sổ tiết kiệm cũng bị …“làm xiếc”

hihihi

Hai đối tượng trong đường dây lừa đảo của Vũ Quý Lãm tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Ngoài ra, Lãm còn dùng thủ đoạn tự giới thiệu bản thân có khả năng vay tiền lãi suất thấp ở ngân hàng bằng hình thức thế chấp sổ đỏ. Sau khi người vay tiền đưa sổ đỏ cho Lãm, nhóm Lãm sẽ làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất rồi mạo danh chuyển nhượng hoặc thế chấp, vay ngân hàng. Từ năm 2018 - tháng 1/2020, có 11 cá nhân và một ngân hàng đã trở thành nạn nhân, bị nhóm của Lãm chiếm đoạt từ 150 triệu đồng đến 3,5 tỉ đồng. Sau mỗi vụ trót lọt, Lãm chia cho mỗi đồng phạm từ 1,5 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Toà cáo buộc, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 22 tỉ đồng của ngân hàng và các cá nhân.

Vụ việc trên không phải là hy hữu, cách đây không lâu, công an thành phố Cần Thơ cũng đã khởi tố băng nhóm “cò đất” chuyên làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà từ nhiều nguồn khác nhau như môi giới, rao bán trên mạng, niêm yết tại sàn bất động sản… để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo rồi mang đi làm giả.

Các đối tượng sau đó lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi để liên hệ gặp chủ đất xem vị trí thửa đất, nhà và sổ đỏ bản chính để đặt cọc. Khi chủ đất sơ hở, nhóm sẽ đánh tráo giấy giả được làm trước đó với giấy thật. Khi có sổ đỏ thật, nhóm này tiếp tục thuê người đóng giả chủ đất và làm giả giấy tờ tùy thân để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá trị thấp hơn giá thị trường. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy thật nên Văn phòng công chứng và Cơ quan tài nguyên và môi trường không phát hiện. Khi chủ sở hữu phát hiện thì nhóm này đã mua bán, chuyển nhượng, cầm cố tài sản qua nhiều người. Qua đấu tranh, nhóm tội phạm trên đã thực hiện 7 vụ lừa đảo ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

“Kẽ hở” từ hoạt động công chứng

Phân tích từ những vụ án này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, Bên cạnh việc sơ hở, thậm chí có sự “tiếp tay” của các cán bộ ngân hàng trong hoạt động cho vay, thủ đoạn mà nhóm các đối tượng trên sử dụng hết sức tinh vi, xảo quyệt, có sự tính toán rất kỹ.

“Bọn chúng đã lợi dụng kẽ hở trong quá trình thực hiện việc công chứng các Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, Hợp đồng đặt cọc để mua tài sản tại các Văn phòng công chứng” – Luật sư Nguyễn Thành Luân nhận định.

Theo luật sư Luân, để phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm tội, các Văn phòng công chứng cần kiểm tra kỹ về nhân thân của người giới thiệu là chủ tài sản, quan hệ với người đi cùng. Yêu cầu họ nói rõ về các thông tin đối với tài sản cần chuyển nhượng, thế chấp. Việc ký kết các Văn bản giấy tờ phải được thực hiện tại Văn phòng Công chứng. Trước khi thực hiện việc công chứng, các Công chứng viên phải kiểm tra kỹ các thông tin được công chứng trên hệ thống quản lý chung và thường xuyên phải cập nhật.

“Hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người trong hoạt động công chứng là rất nặng nề. Do đó các ban, ngành chức năng cần tích cực, quyết liệt trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm. Có biện pháp xử lý nghiêm minh hành vi xuất trình giấy tờ giả, đưa người giả khi tham gia hoạt động công chứng, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.”, luật sư Nguyễn Thành Luân nói.

hihi

 Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La. Ảnh: NVCC

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 thì các hành vi bị nghiêm cấm có quy định: “Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng”. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp các giấy tờ giả nhằm mục đích lừa đảo.

Hiện tại công chứng có thể soi chiếu các loại giấy tờ qua một số máy móc, thiết bị soi chiếu để phát hiện các giấy tờ giả, tuy nhiên, công chứng viên chủ yếu phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề để áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ để soi, chiếu các thông tin trên giấy tờ. Trường hợp xét có nghi ngờ trong các giấy tờ nghi ngờ giả mạo cần giải thích rõ quy định về việc người yêu cầu công chứng cung cấp giấy tờ giả nhằm mục đích lừa có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, tất cả các hồ sơ được yêu cầu công chứng người yêu cầu công chứng phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định công chứng viên mới xem xét ký công chứng. Bên cạnh đó, văn phòng công chứng phải tăng cường sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan, đặc biệt giữa các tổ chức hành nghề công chứng với công an khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo.

Theo luật sư Nguyễn Đức Biên, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định nhiều giải pháp, trong đó có nội dung hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để phục vụ hoạt động công chứng, bảo đảm chia sẻ và kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

“Cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng... Đây là những giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong công chứng như hiện nay”, Luật sư Biên chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 1: Những “nguy cơ” từ nội bộ

    Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 1: Những “nguy cơ” từ nội bộ

    04:00, 18/08/2022

  • Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 2: Sổ tiết kiệm cũng bị …“làm xiếc”

    Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 2: Sổ tiết kiệm cũng bị …“làm xiếc”

    03:50, 20/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 3: Chiêu trò “tráo sổ, tráo người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO