Di dời nhà máy khỏi nội đô: Câu chuyện dài kỳ
Việc triển khai, di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô là rất cấp bách, nhưng vấn đề mục đích sử dụng của khu đất sau khi di dời như thế nào cũng phải được chú trọng.
Nếu không, tình trạng quá tải hạ tầng, ô nhiễm, kẹt xe trong trung tâm thành phố sẽ không có lời giải.
Tại phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được UBND TP Hà Nội trình Bộ Nội vụ mới đây, dự kiến nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội… sau di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.
DĐDN đã có cuộc trao đổi cùng TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Trong 10 năm gần đây, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô Hà Nội được di dời ra ngoại thành theo quy định, quỹ đất này sẽ được ưu tiên bố trí không gian xanh, công trình công cộng, nhưng dường như vẫn chỉ có cáo ốc mọc lên ở đây, thưa ông?
Thực tế cho thấy, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp, công xưởng... ra khỏi nội đô Hà Nội, hầu hết quỹ đất trống lại được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời hoặc các khu chung cư, khu đô thị hiện đại. Ngược lại, với quy hoạch đã được phê duyệt, rất hiếm các công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng.
Về chủ trương và quy hoạch phát triển các công trình công cộng, các công trình cây xanh tại các quỹ đất trống đó là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, cách thức thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý.
Sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, nhiều chung cư mới được xây dựng, thay cho công viên có một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp đặt nặng vấn đề kinh doanh và không mặn mà với các phương án phát triển các công trình công cộng.
Ví dụ, theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su sao vàng, Nhà máy xà phòng, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) không chỉ có có chung cư, trên thực tế, tại đây có một quỹ đất rất lớn ưu tiên để phát triển công viên.
Song, người dân di qua khu vực này chỉ toàn thấy chung cư hoặc các dự án chung cư đang chuẩn bị thực hiện và hoàn toàn không thấy công viên nằm ở đâu. Bởi lẽ, xây dựng chung cư thì doanh nghiệp nào cũng nhận làm, tuy nhiên khi đề cập tới việc xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh thì không ai nhận cả.
Các dự án bất động sản, chung cư hoặc các công trình mang tính chất kinh doanh được ưu tiên xây dựng là do đem lại được nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong khi các công trình cây xanh phục vụ người dân thì không rõ chức năng nhiệm vụ và không đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này khiến quá trình thực hiện xây dựng công trình công cộng rất chậm.
- Điều này đang dấy lên những lo ngại về quá tải hạ tầng, thưa ông?
Hệ quả về việc cao ốc mọc trên đất di dời đã thấy rõ. Điển hình như tại con đường Nguyễn Tuân dù chỉ dài chưa tới 1km nhưng phải chịu áp lực từ hàng chục dự án chung cư. Trong đó có 3 dự án có nguồn gốc đất nhà máy sau di dời.
Hà Nội đang đặt mục tiêu năm 2050, nội đô sẽ đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời.
Chỉ khi nào cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ công tác phát triển quỹ đất trống, doanh nghiệp mới thực hiện xây dựng các công trình công cộng một cách đối phó, dè dặt. Dẫn tới các công trình này có chất lượng rất kém. Như khu đất đằng sau nhà máy rượu Halico (Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) sau 20 năm mới bắt đầu xây dựng 2 trường học. Như vậy là rất chậm so với quy hoạch đã được phê duyệt.
- Vậy đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Để giải quyết vấn đề này có 3 giải pháp. Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát quá trình phát triển quỹ đất trống theo quy hoạch.
Thứ hai, phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quỹ đất trống theo quy hoạch đã phê duyệt.
Thứ ba, các cơ quan ban, ngành trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch phải có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các công trình kinh doanh với các công trình công cộng.
Như vậy, năm 2050, nội đô Hà Nội sẽ đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời. Tuy nhiên, quy hoạch đúng, chủ trương đúng, việc còn lại là cách thực hiện cũng phải đúng, như vậy mới có thể thực hiện được.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Sembcorp chuyển giao Nhà máy điện Phú Mỹ 3 BOT cho EVN
10:34, 09/03/2024
Nghệ An: Nghi vấn thất thu thuế tại dự án Nhà máy may VietSun Hoàng Mai?
00:06, 08/03/2024
Doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Thái Bình
02:00, 06/03/2024
Hà Nội: Đất vàng nhà máy sẽ hóa khu đô thị
03:00, 05/03/2024