Sửa luật - Có ngăn chặn được quảng cáo sai sự thật?
Trước sự gia tăng các quảng cáo sai sự thật của người có tầm ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội thời gian qua, việc sửa Luật Quảng cáo liệu có ngăn chặn được hành vi vi phạm?
>> Công ty khởi nghiệp Vibe tạo môi trường quảng cáo công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp
Mặc dù đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo phát triển, trở thành công cụ định hướng cho doanh nghiệp quảng cáo đúng đắn, cạnh tranh lành mạnh, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của ngành công nghiệp quảng cáo, với nhiều phương thức quảng cáo mới ra đời, Luật Quảng cáo năm 2012 đã cho thấy những tồn tại, bất cập, chưa theo kịp được thực tế dẫn đến hiện trạng quảng cáo sai sự thật, “thổi phồng” công dụng sản phẩm ngày một gia tăng, đặc biệt là các quảng cáo có sự tham gia của người có tầm ảnh hưởng (nghệ sĩ, các chuyên gia,…).
Nhằm ngăn chặn hiện trạng đã nêu, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Cụ thể, Dự thảo bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 36 luật hiện hành như sau: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.
Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
>> AI biến văn bản thành phim: Giới quảng cáo hi vọng và quan ngại
Nhìn nhận về đề xuất này của cơ quan soạn thảo, không ít ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có những chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho hoạt động quảng cáo. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể xem là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo, ngành Quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao. Hiện nay, ngành Quảng cáo tận dụng được sự phát triển công nghệ để phát triển, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng. Ngoài doanh thu, quảng cáo là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, góp phần đưa văn hóa Việt bước ra thế giới. Nhưng ở chiều ngược lại, quảng cáo sẽ tác động tiêu cực nếu nội dung quảng cáo sai sự thật, những quảng cáo như thế này cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của ngành công nghiệp quảng cáo, ngày càng có nhiều phương thức quảng cáo mới ra đời, vì vậy phải có thêm các quy định cụ thể về quản lý Nhà nước với hoạt động quảng cáo trực tuyến, trong đó có các chế tài với những người quảng cáo.
“Đã đến lúc chúng ta cần chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho hoạt động quảng cáo. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể xem là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức ở lĩnh vực quảng cáo”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, việc người nổi tiếng phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp. Vì vậy, cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan quản lý, những người quảng cáo là KOL, nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý, đáng tin cậy nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong quảng cáo nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của người quảng cáo.
Ngoài việc xây dựng các quy định chặt chẽ, rõ ràng, để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật, nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành như: liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng thì Bộ Y tế phải chủ động, còn liên đến quảng cáo trên môi trường mạng thì phải có Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc tùy theo sản phẩm quảng cáo mà có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... cùng với đó là một chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Được biết, ngoài các quy định Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đề xuất, để ngăn chặn người có tầm ảnh hưởng phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó, có những quy định cụ thể về sử dụng mạng xã hội. Dự kiến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành, khi đó, Bộ sẽ ban hành các quy định xử phạt hành chính, trong đó có nội dung tăng mức phạt tiền và xử phạt bổ sung hành vi phát ngôn lệch chuẩn, quảng cáo bán hàng sai sự thật trên mạng xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp Vibe tạo môi trường quảng cáo công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp
01:53, 04/03/2024
AI biến văn bản thành phim: Giới quảng cáo hi vọng và quan ngại
01:00, 21/02/2024
Quảng cáo Tết 2024: Ngành hàng FMCG nổi bật trong bầu không khí thận trọng
03:00, 09/02/2024
Sắc màu quảng cáo Tết
02:00, 07/02/2024
Temu tiêu tận 3 tỷ đô riêng cho quảng cáo ở Mỹ
01:00, 05/02/2024