Dịp cuối năm - đầu năm mới luôn là thời gian trọng điểm để các nhãn hàng tung ra các chiến dịch quảng cáo.
>>Ông lớn ngành sữa thử nghiệm cách thức quảng cáo mới
Chiến lược quảng cáo tết không chỉ để tăng trưởng doanh thu, mà đây còn là cơ hội vàng để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Tết Âm Lịch của nước ta có liên hệ mật thiết tới mùa vụ lúa nước. Theo truyền thống, đây là dịp lễ để chào mừng một chu kỳ cày cấy mới. Mọi người sẽ sum tụ với nhau, nhảy múa, ăn uống và cầu chúc một năm cày cấy đầy may mắn.
Ngày nay, lúa nước đã không còn là trọng điểm kinh tế. Mọi người thường đi khắp tứ xứ để làm ăn, thế nên ý nghĩa ngày Tết cũng dần chuyển dịch. Từ một lễ hội của làng xã, bây giờ Tết đã khu trú lại trong phạm vi gia đình, anh em, bạn bè, hàng xóm - những người thật sự thân thiết.
Đã từ rất lâu, sum tụ và đầm ấm trở thành chủ đề phổ biến nhất. Rất nhiều quảng cáo Tết của các nhãn hàng lớn năm nay thể hiện điều đó.
Hảo Hảo tung ra chiến lược “Tết Hảo - Hảo Hảo”- một quảng cáo ngắn nhưng chứa nhiều thông điệp. Đối với bà nội trợ, một cái Tết đầm ấm là nhà cửa tươm tất. Đối với người kinh doanh là buôn may bán đắn. Đối với bạn trẻ là tận hưởng thả ga. Đối với nhân viên văn phòng là hoàn tất công việc. Thế nhưng, mẫu số chung cho tất cả mọi người là một thông điệp bao trùm - “Tết Hảo là Tết Sum Vầy”.
Trong khi Kinh Đô mang đến “Tết vui chuyện sum vầy”, lấy bối cảnh một anh làm nghề giao hàng không về quê với gia đình, mà ở lại thành phố để làm việc kiếm thêm. Cảnh cuối là anh được ông chủ tiệm tạp hóa mời ăn bữa Tất niên với gia đình ông, san sẻ niềm hạnh phúc.
Bên cạnh thông điệp chủ đạo trên, có một thông điệp khác đang ngày càng lớn mạnh. Đó là sự hưởng thụ: Tự thưởng cho bản thân bằng một món quà, một chuyến du lịch; Hoặc tiệc tùng vui chơi với người thân, bạn bè.
Chúng ta có thể thấy thông điệp này ở các mẩu quảng cáo: MV Chuyện Cũ Bỏ Qua 4 của Trúc Nhân x Mirinda; MV Tết xả hơi, làm gì căng của Trúc Nhân x Pháo x Kitkat; Trà TEA+ Plus với thông điệp “Ăn Tết ngon, Vẫn nhẹ dáng son”; hay Trà Xanh Không Độ với thông điệp “Tết không căng thẳng - Giải nhiệt đón Xuân”; Tiger với thông điệp “Khai Xuân Bản Lĩnh”.
Ở bên Phương Tây, chúng ta cũng thấy chủ đề tương tự, như Joy is shared của Amazon: Ba bà cụ tìm thấy tuổi trẻ của mình trong một chuyến trượt tuyết đầu năm, hồi tưởng về những kỷ niệm xưa và cảm thấy cuộc đời mình vẫn còn nhiều sức sống.
Hay như You can take care of what matters in life - DocMorris: Một ông cụ ốm yếu, đột nhiên ngày nọ, hàng xóm bắt gặp ông đang tập tạ, rồi cả chạy bộ. Chuyện là dịp lễ năm nay, khi con cháu về thăm, ông muốn ẵm những đứa cháu của mình lên và chơi đùa cùng chúng.
Thông điệp là cốt lõi của một mẩu quảng cáo. Khi xác định được thông điệp phù hợp - hòa nhịp được với sự mong chờ của người tiêu dùng - thì thương hiệu đã thành công một nửa. Không lạ gì khi thấy các thương hiệu vẫn bám theo những mô-típ rất cũ như trên. Chúng đúng là cũ thật, nhưng nếu hiệu quả thì vẫn được ưu tiên.
Thông điệp là lõi. Thể hiện là vỏ. Tuy nhiên, nếu thể hiện tốt thông điệp quảng cáo, có thể khuếch đại được thông điệp.
Có thể thấy sắc màu chủ đạo trong quảng cáo Tết Việt là sự trẻ trung. Âm thanh vui nhộn, sôi động, thường là những đoạn MV ngắn. Màu sắc sặc sỡ, sử dụng màu đỏ, vàng, các sắc sáng và tươi. Nhân vật trong quảng cáo tràn đầy sức sống, vui vẻ và cười đùa.
Dân số nước ta vẫn còn đang trong giai đoạn vàng, người trẻ chiếm đa số. Vì vậy, không lạ gì khi quảng cáo của chúng ta lại xoay quanh niềm vui và những giây phút chơi đùa hết mình.
Xét về mặt truyền thống, dịp cuối năm nước ta gắn liền với mùa vụ mới, nên sự vui vẻ và tràn đầy năng lượng là điều tất yếu cho một khởi đầu thuận lợi.
Nếu nhớ lại những mẩu quảng cáo Tết thời xưa, chúng ta không thấy có nhiều sự xuất hiện của người ảnh hưởng. Khoảng chục năm trở lại, quảng cáo Tết mới trở thành đất diễn của nghệ sĩ và các KOL.
Điều này phù hợp với xu hướng chung của ngành truyền thông: Sự lên ngôi của những người tạo ảnh hưởng nhỏ (micro influencer). Bởi họ tốn ít chi phí hơn, nhưng hiệu quả truyền thông không hề kém cạnh những ngôi sao lớn.
Có thể thấy hình thức hợp tác phổ biến là làm những MV ca nhạc, hợp tác giữa một ca sĩ/rapper và thương hiệu, như những MV đã nổi đình nổi, đám trong những năm trước: “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn x Biti's Hunter, “Đi về nhà” của JustaTee và Đen Vâu x Honda, Series “Chuyện Cũ Bỏ Qua” của Mirinda và nhiều nghệ sĩ.
Năm nay, cũng đã có nhiều thương hiệu trình làng MV của mình. Có điều các MV “có tiếng” lại đa phần là tiếp nối của những MV đã thành công ở năm trước mà chưa thực sự có sản phẩm mới mẻ nào nổi bật. Như MV Chuyện cũ bỏ qua đã làm tới tận phiên bản 4. Do đó, doanh nghiệp nào có tung ra được MV có tính mới lạ, độc đáo, thì sẽ rất thành công.
Có thể bạn quan tâm