Xuất khẩu sang Mỹ: 3 phương thức cơ bản cần lưu ý
Hiện diện thương mại trực tiếp tại Mỹ phần nào nói lên đẳng cấp của doanh nghiệp xuất khẩu. Đến nay, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được điều này.
>>Xuất khẩu sang Mỹ: Những nguyên nhân dẫn đến thất bại
Kinh nghiệm từ các nhà xuất khẩu cho thấy, việc thiết lập sự hiện diện thương mại tại Mỹ là rất quan trọng. Mở chi nhánh tại đây là việc nên làm, mặc dù tốn kém nhưng đem lại rất nhiều thuận lợi. Theo các chuyên gia tư vấn, khi hiện diện tại Mỹ, các doanh nghiệp cũng được xem là “Mỹ” hơn, điều này thu hút khách hàng có xu hướng kỳ thị sản phẩm bên ngoài.
Ở xứ “cờ hoa”, công việc thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh từ các quốc gia khác ở Mỹ thường do Văn phòng luật sư tư vấn. Họ sẽ chỉ ra mô hình tốt nhất để giảm chi phí.
Từng loại hình doanh nghiệp gắn với một loạt trách nhiệm pháp lý khác nhau, điều này ở mỗi bang có thể không giống nhau. Do vậy, đội ngũ chuyên gia pháp lý giúp doanh nghiệp nhanh chóng có giấy phép kinh doanh, đăng ký với cơ quan thuế và bất kỳ giấy phép chuyên môn nào mà người ngoại quốc chưa biết.
Để xúc tiến xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua các phương thức cơ bản sau:
Thứ nhất là bán hàng thông qua thương mại điện tử. Trong thập kỷ trước, phương thức này được coi là thời thượng; ngày nay thương mại điện tử quá phổ biến - dĩ nhiên doanh nghiệp không thể không sử dụng.
Điều cần lưu ý là luật pháp Mỹ bảo vệ rất chặt chẽ bí mật thông tin đời tư cá nhân, gọi là dữ liệu khách hàng, cho nên việc đảm bảo người mua không bị lộ thông tin là yêu cầu bắt buộc, tránh rủi ro pháp lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp mình tại quốc gia mà doanh nghiệp bán hàng.
Website, chợ trực tuyến, nhà phân phối là bên thứ ba, và mạng xã hội là các phương tiện phổ biến nhất hiện nay. Amazon đã ký kết hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán hàng trên nền tảng này, bao gồm cho thuê kho và sử dụng dịch vụ vận chuyển của Amazon.
Thứ hai, là nhận đơn đặt hàng tại triển lãm thương mại Mỹ. Hội chợ thương mại là kênh quảng bá và bán hàng hiệu quả tại Mỹ. Đây là nơi các nhà cung cấp và khách hàng lớn dễ dàng tìm thấy nhau.
Mỹ có những hội chợ chuyên ngành lớn nhất thế giới, ví dụ hội chợ hàng nông sản, hội chợ hàng điện tử - tiêu dùng,… Doanh nghiệp có thể chủ động đăng ký trực tiếp hoặc thông qua Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương Việt Nam.
Nước Mỹ có 5 trung tâm chuyên tổ chức hội chợ triển lãm quy mô cực lớn: Trung tâm Hội nghị McCormick Place, Trung tâm Hội nghị Las Vegas, Trung tâm Hội nghị Quận Cam, Trung tâm Hội nghị World Congress Georgia, Trung tâm Triển lãm Kentucky.
>>Xuất khẩu sang Mỹ: Những khoản phí tổn khó tránh
Thứ ba là bán hàng qua kênh trung gian. Đây là cách bán hàng phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam. Các trung gian là công ty thương mại, nhà phân phối. Ưu điểm là đưa hàng đến Mỹ nhanh nhất, mà không cần thiết lập mạng lưới bán hàng, tiết kiệm chi phí. Nhưng, lợi nhuận thu lại không cao, không có sự liên hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng, khó kiểm soát việc tiếp thị sản phẩm. Phương thức này ẩn chứa rủi ro khi mất đối tác, dẫn đến mất thị phần.
Luật pháp kinh doanh của Mỹ quy định rất chặt chẽ bảo vệ quyền lợi khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cân nhắc kỹ lưỡng chế độ sau bán hàng như bảo hành sản phẩm, bồi hoàn thiệt hại...
Có thể bạn quan tâm
Sàn thương mại điện tử Trung Quốc "nhăm nhe" thị trường Mỹ
03:00, 19/02/2024
Khai phá tiềm năng thị trường Mỹ
12:00, 09/02/2024
Doanh nghiệp tìm kiếm nhiều đơn hàng mới từ thị trường Mỹ
03:20, 25/12/2023
Startup nông sản Việt tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thị trường Mỹ
09:52, 17/11/2023
VCCI tổ chức Chương trình Học tập kinh nghiệm từ thị trường Mỹ cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam
07:02, 11/11/2023