Sàn thương mại điện tử Trung Quốc "nhăm nhe" thị trường Mỹ

TRƯỜNG ĐẶNG 19/02/2024 03:00

Các sản phẩm giá rẻ của Shein và Temu đang thu hút nhiều người tiêu dùng Mỹ hơn, đồng thời cho thấy tham vọng sẵn sàng thách thức "ông lớn" Amazon.

Đoạn quảng cáo đắt giá của Temu cho thấy tham vọng của công ty tại thị trường Mỹ

Đoạn quảng cáo đắt giá của Temu cho thấy tham vọng của công ty tại thị trường Mỹ

Ngày 11/2 vừa qua, hơn một trăm triệu người xem trận Super Bowl ở Mỹ đã được chứng kiến những mẩu quảng cáo "Hãy mua sắm như một vị tỷ phú" của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu. Tổng cộng, quảng cáo của Temu đã được phát 5 lần, ước tính công ty này đã tiêu tốn hàng chục triệu USD. Trong năm 2024, ngân hàng JPMorgan Chase dự tính công ty này sẽ chi 3 tỷ USD cho hoạt động tiếp thị, gần gấp đôi mức 1,7 tỷ USD vào năm 2023.

>>Chính sách kinh tế Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden tái đắc cử?

Những con số nói trên đang chứng tỏ tham vọng tại thị trường Mỹ của Temu, sàn TMĐT có trụ sở tại Boston nhưng là một nhánh của Pinduoduo – ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc. Bằng cách rót tiền vào quảng cáo kỹ thuật số, Temu đang cố gắng tái lập thành công của Shein, một nhà kinh doanh thời trang nhanh của Trung Quốc thành công ở Mỹ nhờ hoạt động tiếp thị thông minh và mức giá cực thấp so với đối thủ.

Bà Susan Li, Giám đốc tài chính của Meta, cho biết các nhà quảng cáo Trung Quốc đã đóng góp 10% doanh thu của công ty vào năm 2023. Thậm chí, một số công ty đối thủ đã đổ lỗi cho Temu và Shein vì đã đẩy giá quảng cáo kỹ thuật số ở Mỹ lên cao.

Trong nỗ lực thu hút người mua sắm ở Mỹ, các công ty mới nổi đang chi tiêu rất hào phóng cho quảng cáo kỹ thuật số để quảng bá thương hiệu. Năm 2023, Temu là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ, Anh, Pháp và Đức, theo công ty nghiên cứu Business of Apps. Trong khi đó, Shein đã trở thành tâm điểm mua sắm trong giới thanh thiếu niên Mỹ vài năm trở lại đây.

Cho đến nay, cặp đôi từ Trung Quốc chỉ mới xâm nhập được một phần nhỏ vào thị trường TMĐT của Mỹ. Temu và Shein đều có thị phần khoảng 1%, so với ông lớn Amazon có 38%. Tuy nhiên, điều đó không khiến tập đoàn Mỹ bớt lo ngại trước những tay chơi mới đến từ Trung Quốc.

Hai sàn TMĐT mới có lợi thế lớn về mặt giá cả. Trong khi Temu cung cấp nhiều loại mặt hàng hơn, từ đồ chơi trẻ em đến dụng cụ công nghiệp, thì Shein chủ yếu bán mặt hàng quần áo. Chuyên gia Michael Morton từ công ty nghiên cứu thị trường MoffettNathanson ước tính rằng các mặt hàng quần áo phụ nữ trên các trang web của Mỹ tương tự như trên Temu đắt hơn từ hai đến bốn lần. Temu cũng cung cấp bàn chải đánh răng điện, kính râm và ba lô với giá khoảng 1 USD mỗi chiếc – một mức giá rẻ không tưởng.

Theo các chuyên gia, hai công ty này giữ chi phí thấp theo nhiều cách. Thứ nhất, họ cắt bỏ chi phí người trung gian và giao dịch trực tiếp với các nhà máy Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ đặt giá cho người bán thấp hơn so với các đối thủ Mỹ.

>>Khai phá tiềm năng thị trường Mỹ

Ngoài ra, các công ty này cũng tránh đầu tư ồ ạt vào các hoạt động hậu cần khổng lồ ở Mỹ như của Amazon. Thay vào đó, họ vận chuyển sản phẩm từ các kho hàng ở Trung Quốc và giao hàng cho người mua hàng ở Mỹ bằng dịch vụ UPS, FedEx hoặc bưu điện. Do đó, thời gian nhận hàng có thể lâu hơn – tới vài tuần – để đổi lại việc khách hàng nhận được giá thấp.

abc

Các sàn TMĐT Trung Quốc đe dọa thị phần của Amazon nhờ mức giá rẻ

Hiện tại, những chuyên gia trong ngành nhận định Temu đang tập trung xây dựng thị phần hơn là lợi nhuận. Theo The Economist, công ty lỗ khoảng 10 USD cho mỗi món hàng được bán ở Mỹ, nhưng có thể duy trì được nhờ thành công trong nước của công ty mẹ Pinduoduo. 

Ngược lại, Shein đang tìm cách huy động thêm vốn ở Mỹ. Vào tháng 11/2023, công ty đã nộp đơn xin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ, dự kiến sẽ tạo cú hích lớn. Vào tháng 5/2022, công ty được định giá 66 tỷ USD.

Sự nổi lên nhanh chóng của Temu và Shein khiến Amazon và các công ty địa phương phải lo lắng. Vào tháng 12 năm ngoái, Amazon cho biết sẽ cắt giảm phí cho người bán đối với quần áo có giá dưới 15 USD/chiếc. Hay vào tháng 9, họ đã triển khai dịch vụ chuỗi cung ứng trọn gói, trong đó nhận hàng ngay tại nhà máy của nhà sản xuất và vận chuyển thẳng đến khách hàng.

Nhưng các công ty nhỏ hơn mới là bên bị tổn thương nặng nề nhất. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, các nhãn hiệu thời trang nhanh như Forever 21 sẽ chịu ảnh hưởng nhất. Đối với Temu, đây sẽ mối đe dọa lớn hơn đối với eBay hoặc Etsy - một công ty TMĐT đồ thủ công. Đó là chưa kể tới TikTok Shop, một ứng dụng mua sắm dựa trên TikTok của Trung Quốc vốn gây nhiều chú ý tại Mỹ hiện nay.

Dù vậy, nguồn gốc Trung Quốc có thể cản bước các sàn TMĐT mới này, khi mà xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trường hợp TikTok bị chính quyền Mỹ cáo buộc đánh cắp thông tin người dùng là một ví dụ. Hay mới đây một ủy ban gồm các thượng nghị sĩ Mỹ đang điều tra mối liên hệ giữa các sản phẩm của Temu hay Shein với lao động cưỡng bức, cũng có thể là tín hiệu cho thấy các sàn TMĐT Trung Quốc khó khăn như thế nào để thâm nhập thị trường Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2024

    Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2024

    03:30, 13/02/2024

  • Mỹ sẽ

    Mỹ sẽ "chia để trị" mạng xã hội?

    04:00, 16/02/2024

  • Ba lực cản doanh nghiệp Mỹ trong năm 2024

    Ba lực cản doanh nghiệp Mỹ trong năm 2024

    04:00, 06/02/2024

  • Bầu cử Mỹ tác động ra sao đến sáng kiến IPEF?

    Bầu cử Mỹ tác động ra sao đến sáng kiến IPEF?

    04:00, 04/02/2024

  • “Nóng bỏng” cuộc chiến năng lượng sạch Mỹ - Trung

    “Nóng bỏng” cuộc chiến năng lượng sạch Mỹ - Trung

    04:00, 29/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sàn thương mại điện tử Trung Quốc "nhăm nhe" thị trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO