Sáng kiến IPEF do Mỹ đề xuất từng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thương mại đa phương to lớn với châu Á, nhưng giờ đây sáng kiến này đang đối mặt nhiều nguy cơ trước cuộc bầu cử ở Mỹ.
Triển vọng về lĩnh vực thương mại trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề ra được cho đang ngày càng mờ mịt sau khi các chính trị gia nước này bày tỏ sự bất đồng đối với sáng kiến từng được ví như đối trọng với BRI của Trung Quốc.
>> Lý do FED bất ngờ thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, một nhân vật quyền lực trong lưỡng viện Mỹ, cho biết sau cuộc họp vào tháng 1/2024 với các lãnh đạo lao động và doanh nghiệp ở bang Ohio: “Tôi đã đứng lên chống lại trụ cột thương mại trong Khuôn khổ IPEF mà chính phủ đang đàm phán, và họ đã nhượng bộ”.
Sự bế tắc của IPEF đang thu hút những cử tri hoài nghi về thương mại tự do trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Cho tới nay, 14 quốc gia tham gia IPEF, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, đã tổ chức đàm phán về khuôn khổ gồm 4 phần trong năm ngoái. Đến tháng 11/2023, các bên đã đạt được thỏa thuận về ba trụ cột - chuỗi cung ứng và các quy tắc kinh tế "sạch" và "công bằng". Vấn đề nằm ở chỗ trụ cột thương mại lại bế tắc.
Bất chấp kế hoạch của Nhà Trắng thông qua các điểm trong trụ cột này, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ bởi sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ, trong đó có ông Brown. Thậm chí, ông này còn gợi ý rằng đây là sự thất bại hoàn toàn, không phải trì hoãn. “Nó đã biến mất,” ông nói với truyền thông Mỹ.
Lời nói của ông Sherrod Brown đáng chú ý bởi đây là một chính trị gia kỳ cựu, với bảy nhiệm kỳ tại Hạ viện và ba nhiệm kỳ tại Thượng viện trong Đảng Dân chủ. Ông cũng đến từ Ohio - một bang chiến trường bầu cử quan trọng ở Mỹ. Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ từng nói nếu ông Biden muốn tái tranh cử năm 2024, ông Sherrod Brown có thể “chỉ dẫn cách chiến đấu tốt ở các bang chiến trường”.
Triển vọng mờ mịt của IPEF càng rõ ràng khi các thỏa thuận thương mại đa phương dường như không còn là ưu tiên của cả đảng Dân chủ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa với ứng cử viên hàng đầu Donald Trump không hứng thú với IPEF ngay từ đầu.
>>Các doanh nghiệp châu Á "xoay xở" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
Bài học về TPP vẫn còn đó, khi ông Donald Trump hứa sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này để giành được phiếu bầu từ công nhân vùng Trung Tây vào năm 2016. Nhiều công nhân Mỹ trong ngành công nghiệp thép và ô tô vẫn giữ quan điểm rằng làn sóng nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài đã dẫn đến sự suy giảm trong ngành sản xuất của Mỹ và cướp đi việc làm của người Mỹ.
Ông David Boling, Giám đốc thương mại Nhật Bản và châu Á tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Khả năng để Mỹ thực hiện bất kỳ động thái nghiêm túc nào hướng tới việc hoàn tất trụ cột thương mại của IPEF trong năm nay là gần như bằng 0”.
Thương mại dường như đã trở thành điều cấm kỵ về mặt chính trị trong cuộc bầu cử vào năm 2024. Bởi vậy theo ông Boling, ngay cả khi Tổng thống Biden tái đắc cử, cũng khó có thể nhìn thấy động lực xây dựng trụ cột thương mại của IPEF trở lại.
IPEF được chính quyền Biden đưa ra sau khi ông nhậm chức vào năm 2021. Mục tiêu là lấy lại ảnh hưởng kinh tế ở châu Á sau khi Washington rút khỏi TPP (nay là CPTPP). Thế nhưng, khuôn khổ mới này bị các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích bởi nó lỏng lẻo hơn CPTPP, cũng như không có thảo luận về thuế quan.
Năm bầu cử Mỹ cũng đang chứng kiến việc chính quyền Joe Biden gác lại Thỏa thuận Quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ - một khuôn khổ tương tự IPEF dành cho Trung và Nam Mỹ - vì các lợi ích khu vực đang cạnh tranh nhau. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu về thép và nhôm cũng đã bị đình trệ.
Theo các chuyên gia, sự bế tắc về chính sách thương mại quốc tế cho thấy xu hướng bảo hộ ngày càng sâu sắc hơn trong quan điểm của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ.
“Cách chúng tôi theo đuổi thương mại tự do cho phép sản xuất tập trung ở một số nơi trên thế giới trong các lĩnh vực quan trọng”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết trong bài phát biểu vào tháng 12/2023 và nói thêm rằng điều này khiến tất cả chúng ta dễ bị tổn thương.
Đây rõ ràng là một tín hiệu kém vui đối với các thành viên trong IPEF, những người đang tìm kiếm lợi ích thương mại cụ thể từ thỏa thuận này.
Có thể bạn quan tâm