Đề xuất nới quyền tăng giá điện: Chuyên gia nói gì?

NGUYỄN GIANG 14/03/2024 03:00

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng Chính phủ tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24 năm 2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

>>> EVN sẽ được "quyết" giá điện trong trường hợp nào?

IHIHIHIIH

Giá điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (QĐ 24) là thẩm quyền điều chỉnh giá điện của EVN được nới rộng hơn.

Cụ thể, theo đề xuất, EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Đây là điểm mới so với quy định hiện hành, do QĐ 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, ở cơ chế đề xuất, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Về thời gian điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề xuất, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá hiện hành là 6 tháng xuống còn 3 tháng. Theo Bộ Công Thương, quy định này sẽ thúc đẩy việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Bộ Công Thương sẽ có vai trò chính trong điều hành giá điện, song Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng.

>>> Điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 9/11

Dự thảo mới cũng làm rõ hơn trách nhiệm của EVN, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp, tham gia ý kiến với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá. Bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô để minh bạch hơn quy trình điều chỉnh giá điện.

Tán thành với đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đây là đề xuất hợp lý và cần thiết. Điện là hàng hóa đặc biệt có tính chất đặc thù, được Nhà nước quy định giá. Tuy nhiên, khi giá đầu vào tăng hoặc giá đầu vào giảm mà chúng ta không điều chỉnh kịp thời thì đều bất cập, không phản ánh được giá thị trường. 

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, căng thẳng quân sự Nga - Ukraine… đã khiến tình hình giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu tăng cao, tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, trong đó có sản xuất điện. Giá đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp bị lỗ trong sản xuất kinh doanh. Việc thua lỗ có một phần nguyên nhân từ chu kỳ điều chỉnh giá điện theo QĐ 24 khá dài chưa phản ánh hết biến động của thị trường tới “sức khỏe” của doanh nghiệp trong ngành.

TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu Chính phủ chấp thuận việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện thì giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống, để doanh nghiệp và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?

    Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?

    00:57, 06/09/2023

  • Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    04:00, 22/08/2023

  • Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN

    Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN

    03:40, 19/04/2023

  • EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

    EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

    11:00, 07/12/2022

NGUYỄN GIANG