EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

Diendandoanhnghiep.vn Các chuyên gia cho rằng, với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện, việc tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh…

hihi

Dự kiến ước tính cả năm 2022 EVN có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng. Ảnh minh họa

EVN lỗ do đâu?

Thông tin từ EVN cho biết, Tập đoàn đã nỗ lực cố gắng để tiết giảm chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá bán điện, nhưng EVN cho rằng giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Tử Lượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Ngoài ra, giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện. Cùng với đó, các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh như hiện nay cũng ảnh hưởng tới hoạt động ngành điện. 

“Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVNNPC gặp khó sẽ ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của EVNNPC. Nói như vậy để thấy, EVNNPC sẽ khó bảo đảm tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác... Điều này cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của EVNNPC, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng của EVNNPC năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới, nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng là rất lớn. Đặc biệt, việc không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng sử dụng điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...”, ông Lượng phân trần.

hihi

Giá điện “nhích” một chút thì kéo theo giá thành sản xuất tăng, giá thành phẩm tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi trong khi mức chi tiêu của người dân cũng sẽ bị co lại. Ảnh minh họa

Cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất tăng giá điện

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng giá điện với các chi phí đầu vào từ nhiên liệu (dầu, khí, than…), vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép…) đến tỷ giá ngoại tệ đều biến động mạnh trong vài năm qua. Giá điện cũng bị “nén” quá lâu, không điều chỉnh từ tháng 3/2019 đến nay. Thế nên, có lẽ đến lúc Chính phủ cùng các bộ Công Thương, Tài chính cần rà soát lại, xem xét vấn đề này.

“Câu chuyện đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong thời gian qua là bài học xương máu cho các nhà quản lý trong điều hành về giá các mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế như xăng dầu, điện…

Ở góc độ người tiêu dùng thì không ai muốn tăng giá điện lúc này. Doanh nghiệp lại càng không muốn, do họ đang đối diện quá nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng, hàng sản xuất ra bán không được, một số phải sa thải công nhân… Thế nên, việc rà soát lại chi phí giá điện là cần thiết, song phải có giải pháp phù hợp tình hình. Theo tôi, có thể chưa tăng giá ngay trong năm nay được”.

>>Trung Nam Group kêu "bất công" vì bị EVN dừng 40% công suất điện mặt trời

Cũng trao đổi về vấn đề này, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính của Học viện Tài chính cho rằng,“nếu tăng cũng chỉ ở mức độ thấp nhất có thể”. Đặc biệt, phải giãn thời gian tăng giá, có thể từ giữa năm sau, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu giảm bớt khó khăn, đi vào ổn định hơn. Tuy nhiên, ông Thịnh nhấn mạnh: “Bài toán về giá phải luôn được cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi tăng giá điện lúc này là vấn đề nhạy cảm, nhưng nếu không điều chỉnh, lại khó cho doanh nghiệp ngành điện. Đây là bài toán rất khó giải. Dù chọn giải pháp nào thì cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, bởi tình hình cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng, chi phí tăng cao trong khi đơn hàng bị cắt giảm mạnh…”.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng lưu ý, trong báo cáo lỗ của EVN chỉ thấy dự báo con số cuối cùng, không thấy rõ cơ cấu các khoản mục đẩy mức lỗ lên hàng chục ngàn tỉ đồng. Để sòng phẳng, đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện của EVN cần cho chi tiết cụ thể số liệu về các đầu vào gây lỗ. Chẳng hạn, lỗ vì tỷ giá chiếm bao nhiêu phần trăm trong số đó, lỗ vì giá dầu tăng chiếm bao nhiêu... Trong lịch sử, một số ngành báo nguyên một “rổ” lỗ bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngành, khi đó việc tăng giá sẽ không thuyết phục.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh đánh giá, nếu “đẩy vào giá” tất cả các yếu tố lỗ là bất hợp lý, đặc biệt là yếu tố tỷ giá. Về nguyên tắc, khi ngành điện “ăn nên làm ra”, có lời thì phải trích quỹ dự phòng để cân đối trong những giai đoạn tình hình kinh tế có nhiều biến động.

“Không thể để lỗ về tài chính xong bắt toàn dân phải chịu giá điện tăng, nếu có. Mặt khác, năng suất lao động của ngành điện được thống kê cao gấp 17 lần so với năng suất lao động bình quân của nền kinh tế và có xu hướng càng ngày càng tăng. Năng suất lao động chính là giá trị gia tăng chia cho số lao động. Về cơ bản, có thể hiểu mỗi lần tăng giá điện đều đi vào 2 bộ phận là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất của ngành điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp than thở chi phí đầu vào của ngành điện tăng, nhưng không minh bạch, không rõ chi phí này. Đây là tính chi phí cho cả ngành hay chỉ chi phí sản xuất điện, cũng cần nói rõ. Người dân không biết những chi phí này đã gạt bỏ ra những vấn đề sản xuất phụ hay chưa”, ông Trinh nêu quan điểm và bày tỏ lo ngại: Điện đi vào tất cả các ngóc ngách của nền kinh tế, từ tiêu dùng đến sản xuất.

Giá điện “nhích” một chút thì kéo theo giá thành sản xuất tăng, giá thành phẩm tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi trong khi mức chi tiêu của người dân cũng sẽ bị co lại. Chưa kể người dân phải chịu tác động kép khi phải trả thêm tiền điện sinh hoạt.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714028384 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714028384 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10