Giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với 02 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để hỗ trợ các khách hàng, khiến EVN lỗ hơn 1.307 tỷ đồng.
>>>Đánh giá lại tài sản, vốn 3 nhà máy thủy điện của EVN
Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới được Bộ Công thương công bố, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN là 396.199,38 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành tương ứng với sản lượng điện năng giao nhận năm 2020 là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 là 216,95 tỷ kWh.
Về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826,22 đ/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019. Trong đó, giá thành sản xuất trong khâu phát điện (theo sản lượng điện giao nhận năm 2020) tăng 3,36% so với năm 2019, tổng chi phí khâu phát điện năm 2020 là 310.962,60 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.433,34 đ/kWh; Tổng chi phí khâu truyền tải điện năm 2020 là 16.855,56 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 77,69 đ/kWh; Giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 308,54 đ/kWh.
Ngoài ra, giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,66 đ/kWh; Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại 8 xã, huyện đảo là 265,45 tỷ đồng. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,20 đ/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.
Theo kết quả kiểm tra, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 là 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2020 là 394.892,09 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,20 đ/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.
“Việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện, đặc biệt nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao, năm 2020 tiêu thụ sản lượng điện với tỷ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần Thương nghiệp – Dịch vụ có sản lượng giảm sâu. Bên cạnh đó EVN thực hiện 02 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để hỗ trợ các khách hàng với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng”, kết quả kiểm tra nêu.
Bất chấp khoản lỗ này, EVN vẫn lãi 4.742,24 tỷ đồng nhờ vào khoản thu nhập 6.049,53 tỷ đồng từ hoạt động như: thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của Công ty mẹ EVN và các Tổng công ty Điện lực.
>>>Bỏ thế độc quyền của EVN
Đáng chú ý, năm 2020, đã có hơn 5.030 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện của năm 2018 với số tiền khoảng 3.630,3 tỷ đồng và một phần khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên EVN vẫn còn hơn 7.582 tỷ đồng chưa hạch toán hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020, bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện phát sinh năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) cũng cho rằng, năm 2020, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 217 tỷ kWh, tăng 3,4% so với năm trước đó. Mặc dù vẫn tăng trưởng dương, nhưng đây là sự giảm tốc đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch. Mức tiêu thụ điện của nhóm khách hàng công nghiệp, nhóm khách hàng lớn nhất của EVN, và của nhóm du lịch, dịch vụ đã chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch. Doanh thu bán hàng đạt 403,3 nghìn tỷ đồng (17,4 tỷ USD), chỉ tăng nhẹ 2,2% so với mức trung bình năm 13,2% trong giai đoạn 2015-2019. Do đó, giá bán lẻ điện bình quân thực tế đã giảm xuống còn 1.851 đồng/kWh (0.08 USD), mức tăng trưởng âm đầu tiên (-1,3%) kể từ năm 2017.
Theo IEEFA, tăng trưởng doanh thu năm 2020 của EVN bị giới hạn do không thể tăng giá bán lẻ điện và hai chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng với tổng số tiền 12,3 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch tăng giá bán lẻ điện đã nhanh chóng bị Chính phủ yêu cầu gác lại ngay khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2020 như một giải pháp chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, khiến EVN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất và mua điện.
Ở một khía cạnh khác, cơ cấu điện sản xuất năm 2020 cũng cho thấy những dấu hiệu bước đầu về bối cảnh cạnh tranh mới mà các nhà máy điện sử dụng năng lượng hoá thạch đang phải đối mặt, khi các nguồn năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện bắt đầu thâm nhập thị trường. Các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và chạy dầu đang đứng trước rủi ro mới về doanh thu và các thách thức trong vận hành.
“Số liệu cho thấy, các nhà máy nhiệt điện khí và chạy dầu đã bị giảm huy động, sản lượng được thay thế bằng nguồn điện mặt trời. Một số nhà máy nhiệt điện khí không thuộc EVN đã ghi nhận doanh thu sụt giảm vào năm 2020 do bị giảm huy động, điều mà các chủ đầu tư lý giải không chỉ do nhu cầu tiêu thụ điện giảm mà còn do cạnh tranh từ các nguồn năng lượng tái tạo”, báo cáo của IEEFA cho biết.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đánh giá lại tài sản, vốn 3 nhà máy thủy điện của EVN
20:15, 05/01/2022
Bỏ thế độc quyền của EVN
16:43, 04/01/2022
EVNGENCO1 trao tặng thiết bị 2 phòng học trực tuyến cho Trường THCS Đức Thắng
13:00, 21/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý
20:13, 24/11/2021
EVN và AFD hợp tác hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo
11:00, 11/11/2021