Chuyển đổi xanh trong nhà hàng
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - CEO&Founder của KisStartup cho rằng việc thực hiện sang chuyển đổi xanh từ nhà hàng đến chuỗi giá trị cũng rất cần thiết để hướng đến phát triển kinh doanh bền vững.
Chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững đang là mối quan tâm nhưng cũng đầy thách thức về đổi mới sáng tạo mở cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng.
Tháng 2/2024, Nhà hàng 4Ps Pizza – ở tầng 5 tòa nhà Lotte Tây Hồ (Hà Nội) nhận được chứng chỉ Leed Gold – chứng chỉ xanh cho những công trình thân thiện với môi trường.
Khái niệm xanh
Đơn vị tư vấn giúp nhà hàng nhận được chứng chỉ này là Công ty TNHH Edeec. Giám đốc công ty - ông Trần Thành Vũ cho biết khi nhận dự án, ông cảm thấy vui vì concept – khái niệm của dự án là tái chế mọi thứ nhiều nhất có thể, mang tính giáo dục bền vững. Hồ sơ làm Lead Gold cho nhà hàng có nhiều hạng mục như hiệu quả sử dụng nước, tác động môi trường trong nhà, sử dụng năng lượng… đều liên quan đến phát triển bền vững để dành điểm. Điểm thú vị nhất của dự án chính là tái sử dụng các sản phẩm thải của ngành xây dựng, hỗ trợ công việc cho ngành thủ công mỹ nghệ.
Cũng liên quan đến khái niệm xanh trong nhà hàng, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã nghiên cứu thị trường, sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm xanh thân thiện môi trường, như trường hợp Túi biết thở - Bao bì bảo quản thực phẩm giữ được độ tươi lâu, và khi vứt bỏ trong môi trường chôn lấp dễ phân hủy do Công ty CP Galaxy Biotech sản xuất.
Hay đó là các dung dịch làm sạch (nước rửa chén, lau sàn …) - từ enzyme của vỏ dứa Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Fuwa Biotech … Những loại sản phẩm này đã từng bước được các nhà hàng lựa chọn và tiêu dùng.
Giải pháp xanh
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - CEO&Founder của KisStartup – chuyên gia Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo đã chia sẻ rằng, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nhà hàng tập trung vào 6 nội dung chính. Đó là: Hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, nguồn cung ứng thực phẩm, bao bì đóng gói bền vững, giáo dục khách hàng, giảm chất thải. Việc đo lường được những tác động trực tiếp và/ hoặc gián tiếp do hành động của doanh nghiệp tạo ra từ việc xanh hóa, sẽ càng củng cố được hình ảnh của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng.
Cũng theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những công cụ đo lường chính xác để tính toán, thay vì mơ hồ nghĩ rằng muốn chuyển đổi xanh thì phải làm nhiều thứ. Nếu doanh nghiệp tập trung vào những giá trị cốt lõi thì chứng chỉ xanh sẽ là đi sau, thay vì đó hãy tiết kiệm các khoản chi phí đầu tư cho khách hàng, giảm thiểu những tác động liên quan đến môi trường, giúp họ có những trải nghiệm tốt hơn.
Việc thay đổi sang tư duy chuyển đổi xanh để từng bước thực hiện việc chuyển đổi xanh từ nhà hàng đến chuỗi giá trị cũng rất cần thiết để hướng đến phát triển bền vững. Khách hàng ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và thích các doanh nghiệp chia sẻ giá trị của họ.,.
Có thể bạn quan tâm