Sửa Luật Đấu giá tài sản: Ngăn tình trạng “bỏ cọc” cần chế tài phù hợp
Mặc dù đánh giá cao những đề xuất được đưa vào Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), tuy nhiên, xoay quanh việc xử lý trúng đấu giá rồi “bỏ cọc”, một số ý kiến cho rằng, cần có chế tài phù hợp.
>> Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh để “khoảng trống” pháp luật
Theo đó, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 42 Điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 Điều, khoản so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm là chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70).
Và để ngăn chặn tình trạng trúng đấu giá rồi “bỏ cọc”, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Cụ thể, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm…
Xoay quanh nội dung đã nêu, một số ý kiến cho rằng, nên xử lý vấn đề này bằng các hình thức khác, không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.
>> Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Minh Sơn, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản.
Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá tài sản, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá. Quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
Việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn. Trong khi đó, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.
“Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ.
Theo ông Sơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.
Đây là những tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng bày tỏ, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Cho nên, thay vì nâng mức tiền đặt cọc, việc ngăn chặn tình trạng trúng đấu giá rồi “bỏ cọc” có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác.
Đồng thời cho rằng, tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “bỏ cọc”, vì vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “bỏ cọc” với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán; đồng thời, nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh để “khoảng trống” pháp luật
04:00, 07/12/2023
Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
11:30, 04/12/2023
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc
04:00, 27/09/2023
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng "thông đồng, dìm giá"
17:03, 16/08/2023
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Đề xuất ngăn “quân xanh, quân đỏ”
03:30, 09/08/2023