Để bảo vệ được quyền và lợi ích cho các chủ thể liên quan, góp ý Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng tránh để lại những “khoảng trống” pháp luật…
>> Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Theo đó, liên quan đến đấu giá tài sản thi hành án dân sự, điểm đ, khoản 1, Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và tại điểm l, khoản 1, Điều 4 Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) quy định “Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Xoay quanh nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này cần được xem xét, bổ sung một cách đầy đủ tránh tạo “khoảng trống” pháp luật, bởi đối với vụ án hình sự đã được điều tra, truy tố, xét xử và đã có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội sẽ thuộc sự điều chỉnh của điều luật này.
Đặc biệt, đối với vụ án hình sự mà phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó có tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội cơ quan điều tra, viện kiểm sát quyết định tịch thu xung công quỹ thì trong Luật Đấu giá tài sản chưa quy định.
Từ các vấn đề đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), đại biểu Lê Tất Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét bổ sung điểm l, khoản 1, Điều 4 Dự thảo Luật theo hướng, “Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ Nhà nước; tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
>> Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc
Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án và cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.
Theo vị đại biểu này, trong thực tế, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá… trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán.
Mỗi công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức cơ quan đều có thể bị chủ tài sản - người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá loại tài sản này thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua; đến khi bán đấu giá thành công thì người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua.
“Do đó, cần nghiên cứu quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong Dự thảo Luật (sửa đổi)”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cũng đề xuất, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần thiết đưa ra các cơ chế pháp luật chặt chẽ để bảo đảm hoạt động bán đấu giá tài sản có hiệu quả, bảo vệ được quyền và lợi ích của Nhà nước, của các cá nhân, tổ chức liên quan như: tổ chức hành nghề đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá mua tài sản đấu giá, người được thi hành án, người phải thi hành án, người đồng sở hữu... cho nên, quá trình sửa đổi phải rà soát kỹ lưỡng các Luật chuyên ngành có liên quan để có sửa đổi, bổ sung đồng bộ, tránh những “khoảng trống” pháp luật khi Dự thảo Luật không điều chỉnh mà các Luật chuyên ngành cũng không điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Cùng với các vấn đề đã nêu, một trong những nội dung nhận được không ít sự quan tâm là vấn đề xác định tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất, tránh tình trạng bỏ giá quá cao, sau lại bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin, gây lũng đoạn thị trường...
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi) liên quan vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với trường hợp xác định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm. Vì nếu xác định tiền thuê đất nộp 1 năm thì giá trị rất thấp so với giá trị của lô đất, nên tiền đặt trước được tính tối đa 20% giá trị tiền thuê đất 1 năm không có nhiều ý nghĩa ràng buộc.
Bên cạnh đó, dẫn thực tiễn từ các cuộc đấu giá diễn ra gần đây, quyền sử dụng đất lô 3-12 khu đô thị Thủ Thiêm với giá trúng 8,3 lần giá khởi điểm lên đến 2,43 tỷ đồng/m2. Đấu giá cho thuê 10 năm, Nhà hàng Thủy Tạ có diện tích xây dựng 280 m2 với giá trúng đấu giá 151 tỷ đồng, gấp 5 lần giá khởi điểm nhưng nhà đầu tư đều bỏ tiền đặt trước khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất, Luật nên bổ sung thêm quy định khi việc đấu giá tài sản Nhà nước theo phương thức trả giá lên xuất hiện tình huống đấu giá nhiều vòng thì khi mức giá của vòng đầu tiên cao hơn giá khởi điểm từ 2 lần thì người tham gia đấu giá tiếp phải nộp bổ sung tiền đặt trước để đảm bảo tỷ lệ đặt trước so với giá bắt đầu của vòng đấu giá tiếp theo. Quy định này lại tiếp tục áp dụng nếu như giá đấu của các vòng sau đầu tiên gấp hơn từ hai lần soi mức giá phải bổ sung tiền đặt trước.
“Điều này sẽ làm cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trách nhiệm hơn với quyết định trả giá của mình, tránh tình trạng bỏ giá quá cao, sau lại bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin. Trong nhiều trường hợp tác động lớn đến thị trường tài sản đem đấu giá, như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm”, vị đại biểu này bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
11:30, 04/12/2023
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc
04:00, 27/09/2023
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng "thông đồng, dìm giá"
17:03, 16/08/2023
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Đề xuất ngăn “quân xanh, quân đỏ”
03:30, 09/08/2023
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc
03:00, 06/07/2023