Đề xuất cắt giảm tối đa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng hiện nay số lượng thủ tục nhà ở xã hội đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
>>> Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ
Tại Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng 16/3, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho biết, vừa qua, Công ty Vinhomes của Tập đoàn VinGroup đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Đồng thời, Tập đoàn VinGroup cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Quang, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, Tập đoàn VinGroup nhận thấy, về thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, số lượng thủ tục nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại.
Cụ thể, các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.
Về cơ chế ưu đãi đối với các hạng mục thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội: Để dự án nhà ở xã hội thực sự là các khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ tiện ích nhằm nâng cao cuộc sống của người dân thì bên cạnh nâng cao chất lượng nhà ở xã hội thì việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân là rất cần thiết. Đặc biệt là nhà ở xã hội có quy mô lớn. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Vì vậy nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.
Về xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội: Trên cơ sở rà soát thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng theo Quyết định số 610/QĐ-BSĐ ngày 13/2/2022 hiện đang thấp hơn so với suất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại. Trong khi đó, chi phí và suất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn suất vốn đầu tư theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội do việc xác định giá bán phải dựa trên cơ sở xuất vốn đầu tư.
>>> Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Về nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội, trên thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao. Đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm.
Để có thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án đầu tư nhà ở xã hội và giảm giá bán nhà ở xã hội, ông Quang đề xuất: Xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Xem xét ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Xem xét điều chỉnh lại xuất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư, khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua NOXH.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex cho biết thêm: Đến thời điểm này, Tổng công ty thực hiện được trên 45.000 căn hộ vừa nhà ở công nhân, vừa nhà ở xã hội. Trong Quý 1 này, doanh nghiệp sẽ khởi công ngay 2.000 căn hộ. Về nguồn vốn, tỉnh ưu tiên cân đối các nguồn lực, kêu gọi sự đồng hành của các ngân hàng thương mại để triển khai, thực hiện các dự án này.
Trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, Becamex thấy có một số vấn đề, thứ nhất, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thứ hai là thời gian vay cho người lao động còn ngắn. Theo ông Huy, nếu kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 – 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Như vậy nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỉ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2400 tỉ đồng. Như vậy khi có việc bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và nó mạnh hơn gói 120 ngàn tỷ đồng như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm