Tỷ suất sinh lời không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nhà ở xã hội
Theo quy định, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội bị khống chế lợi nhuận định mức là 10%. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng con số 10% là không hấp dẫn.
>>Thủ tướng đề nghị nghiên cứu gói tín dụng lãi suất thấp cho nhà ở xã hội
Chia sẻ tại Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 16/3, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, giới hạn tỷ lệ lãi suất sinh lời của dự án cũng là một trong những khó khăn trong quá trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội.
Tỷ suất sinh lời 10% không đủ hấp dẫn nhà đầu tư
Cụ thể, lãnh đạo Vietinbank cho biết, quy định cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay bị hạn chế lãi suất sinh lời do bị khống chế ở mức 10% nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư, chưa có lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể.
Bên cạnh đó là rào cản về pháp lý. Cụ thể như sau: Nhiều dự án thiếu quyết định phê duyệt chủ trương của UBND tỉnh, thành phố; thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội khá phức tạp, mất nhiều thời gian hơn với các dự án nhà ở thương mại; dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư….
Ngoài ra còn tồn tại khó khăn về nguồn vốn tài trợ dự án. Theo ông Sơn, bản chất gói 120 nghìn tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trong đó cơ sở xác nhận lãi suất cho vay và lãi suất cho vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
>>Đề xuất kéo dài thời gian vay mua nhà ở xã hội
Mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Trước những khó khăn trên, với mục tiêu triển khai hiệu quả chương trình, lãnh đạo VietinBank kiến nghị một số các giải pháp như sau:
Để có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn với người mua nhà và doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, Vietinbank đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối.
Bên cạnh đó, xem xét giao việc lựa chọn xác định người mua nhà cho chủ đầu tư dự án để tăng chủ động trong khâu bán hàng, đồng thời mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện đối với người được mua nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng hệ số lợi nhuận định mức để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi suất đầu tư của nhà ở xã hội bị quy định chỉ bằng 76% suất đầu tư nhà ở thương mại cùng loại.
"Chúng ta muốn chất lượng nhà ở xã hội ngang bằng nhà ở thương mại thì suất đầu tư này phải tương đương", ông Châu cho biết. Do đó, ông Châu đề nghị dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội xem xét tăng thêm lợi nhuận định mức đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lên 15% thay vì chỉ 10% như hiện tại.
Cần cắt giảm thủ tục, chi phí thực hiện nhà ở xã hội
Liên quan đến việc mức lợi nhuận quy định tối đa chỉ 10% với chủ đầu tư nhà ở xã hội, Thủ tướng cho rằng, theo Luật Nhà ở 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội thì không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác.
Thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3 đến 5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. "Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng", Thủ tướng nói.
Dù ghi nhận những kết quả bước đầu góp phần phát triển nhà ở xã hội, song theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phát triển phân khúc này so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.
Để triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10 - 15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở. Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất kéo dài thời gian vay mua nhà ở xã hội
05:00, 17/03/2024
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu gói tín dụng lãi suất thấp cho nhà ở xã hội
22:51, 16/03/2024
Đề xuất cắt giảm tối đa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
13:20, 16/03/2024
Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ
12:52, 16/03/2024
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xem xét hạ lãi suất gói vay 120.000 tỷ đồng
09:18, 16/03/2024
Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội
03:00, 14/03/2024