Xử lý nợ xấu - Liệu có cần hành lang pháp lý mới?

YẾN NHUNG 21/03/2024 05:00

Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt, trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng cao, để giải quyết, liệu có cần một hành lang pháp lý mới?

>> Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024 đã giảm 0,72%, trong khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tín dụng giảm chủ yếu do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu, đồng thời rủi ro nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng thận trọng trong việc cấp tín dụng.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023. Với tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ không được kéo dài thời hạn hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - Ảnh minh họa: ITN

Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - Ảnh minh họa: ITN

Chưa kể, dù nền kinh tế đang có tín hiệu khởi sắc và được dự báo tích cực hơn so với năm 2023, nhưng không ít ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% là không dễ. Bởi, dự báo kinh tế thế giới năm 2024 cũng không thuận lợi, tại báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn mức tăng 2,6% của năm 2023; trong đó kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng 1,6%; EU tăng trưởng 0,7%, Nhật Bản tăng trưởng 0,9%; Trung Quốc tăng trưởng 4,5%...

Là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên Việt Nam chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc. Trong khi đó hoạt động ngân hàng lại phụ thuộc nhiều vào diễn biến nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn một mặt sẽ gây khó cho tăng trưởng tín dụng, mặt khác lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.

Trong khi đó, dù đem đến nhiều kỳ vọng, nhưng tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng cũng không có đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Do vậy, các tổ chức tín dụng đã xác định việc thu nợ là nhiệm vụ quan trọng, nên khi cho vay hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện cho vay, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

>>Luật các TCTD (sửa đổi): Hỗ trợ thu hồi nợ xấu tương lai

trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng cao, để giải quyết, liệu có cần một hành lang pháp lý mới? - Ảnh minh họa: ITN

Trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng cao, để giải quyết thực trạng này, liệu có cần một hành lang pháp lý mới? - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, các tổ chức tín dụng cũng đang rất lo lắng, bởi trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhưng hiện tại chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Nếu người dân chây ỳ không trả nợ, các tổ chức tín dụng không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ.

Theo các chuyên gia, vấn đề trọng tâm hiện nay là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, đây là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý mới, đồng bộ hơn để giải quyết bài toán “cục máu đông” nợ xấu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngành ngân hàng đối diện với áp lực nợ xấu gia tăng trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Cần rà soát Bộ luật Dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa. Dù Việt Nam đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến nay vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và Công ty quản lý Tài sản (VAMC). Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường...

Để có biện pháp tối ưu, hài hòa, không ít ý kiến cũng đã đề xuất, cần xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu.

Theo ông Darryl Dong, chuyên gia của IFC Việt Nam, biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bày tỏ tán thành với ý kiến của đại diện IFC xung quanh việc cân nhắc mở cửa thị trường mua bán nợ. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài phải có một đại lý là người Việt Nam, như vậy hoàn toàn giám sát được việc mua - bán nợ.

“Tôi cũng đồng tình cần tiến tới có luật về nợ xấu nhưng kinh nghiệm về nợ xấu đã được Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chúng ta chấp nhận có một chương và đầy đủ hơn. Tôi cũng đề nghị Quốc hội tiến tới sau năm 2025 cần có một luật về xử lý nợ xấu”, GS-TSKH Nguyễn Mại bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

    Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

    05:30, 12/03/2024

  • Luật các TCTD (sửa đổi): Hỗ trợ thu hồi nợ xấu tương lai

    Luật các TCTD (sửa đổi): Hỗ trợ thu hồi nợ xấu tương lai

    05:00, 02/03/2024

  • Lo lắng khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu

    Lo lắng khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu

    00:06, 25/02/2024

  • Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu

    Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu

    11:28, 24/02/2024

  • Lấp khoảng trống pháp lý về xử lý... nợ xấu

    Lấp khoảng trống pháp lý về xử lý... nợ xấu

    03:30, 01/02/2024

YẾN NHUNG