Tổng giám đốc Intel đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường bán dẫn tại Mỹ và Châu Âu

QUÂN BẢO 22/03/2024 03:00

Tổng giám đốc Intel vừa tuyên bố như vậy sau khi Mỹ vừa công bố khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất chất bán dẫn.

>> Intel nhận trợ cấp khủng, TSMC vẫn "dài cổ" chờ

Tổng giám đốc Intel đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường Mỹ và Châu Âu

Ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc tập đoàn Intel.

Trên truyền thông, ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc tập đoàn Intel ví von các con chip là bộ khung của xã hội hiện đại. Xe hơi muốn chạy, cần có chip. Máy bay muốn bay, cần có chip. Con người muốn sản xuất thực phẩm và khai thác tài nguyên, cần có chip. Giới công nghệ muốn nâng cao trí tuệ nhân tạo, cần có chip. Thậm chí các nước muốn bảo vệ an ninh quốc gia, cũng cần có chip.

Nói một cách đơn giản hơn, chúng là công nghệ quan trọng nhất trong lịch sử loài người và là nguồn tài nguyên quan trọng nhất thế giới.

Bất chấp tầm quan trọng ấy, Mỹ lại để mất quyền kiểm soát chất bán dẫn của mình, với các thống kê cho thấy 80% chip đang được sản xuất ở Châu Á. Điều này là một mối đe dọa lớn với Mỹ. 

Theo ông Pat, nếu nắm quyền về chất bán dẫn, Mỹ có thể chủ động trong việc phát triển công nghệ. Còn bây giờ muốn phát triển công nghệ, họ cần phụ thuộc vào việc nhập khẩu và chịu đe dọa từ chuỗi cung ứng toàn cầu vốn tồn tại nhiều rủi ro.

Đại dịch COVID-19 là lời cảnh tỉnh cho nước Mỹ về việc chuỗi cung ứng có ảnh hưởng như thế nào đến an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Và không ngoài Mỹ, chuỗi cung ứng cũng là vấn đề toàn cầu. Trong 50 năm tới, quốc gia và công ty nào giải quyết được nó, thì thế cờ sẽ nằm trong tay họ. 

Chắn chắn, Mỹ sẽ không đánh rơi cơ hội này. Năm 2022, họ đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS. Đến ngày 20/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến trong nước theo Đạo luật CHIPS. Nhà Trắng thông báo Intel sẽ nhận được tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản vay lên đến 11 tỷ USD, như một phần của Đạo luật CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Số tiền chủ yếu phục vụ hoạt động của hãng tại Arizona, bao gồm xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện có.

Khoản đầu tư này, cùng với những khoản đầu tư lớn khác đã được các công ty như Intel thực hiện, sẽ là nền tảng để Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng chip, từ đó tạo điều kiện dẫn đầu ngành công nghiệp thiết yếu này. 

Đây không phải là kỳ vọng, mà gần như là nhiệm vụ bắt buộc Mỹ thực hiện được. Bởi vì các quốc gia khác cũng đã và đang nhận ra cơ hội trong mảng chất bán dẫn và đầu tư vào chúng trong nhiều thập niên qua. Đó cũng là một phần lý do vì sao thị phần sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống chỉ còn 12% như hiện nay.

Dĩ nhiên người Mỹ không mơ mộng ôm tất cả thị phần. Thế nhưng mục tiêu xa của Intel là đến cuối thập niên này, Intel sẽ chiếm ít nhất 50% thị phần chất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ và Châu Âu.

Với người Mỹ, Đạo luật CHIPS cùng việc Intel mở rộng và thêm mới hàng loạt cơ sở sản xuất chất bán dẫn là thứ giúp họ tự tin họ có thể thực hiện được mục tiêu này.

Đạo luật CHIPS là cột mốc rất quan trọng. Nhưng các chuyên gia nước Mỹ cho rằng đó không phải là sự kết thúc, cũng chẳng phải là khởi đầu của giai đoạn kết thúc. Tất cả vẫn đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ đầu của kỷ nguyên tiếp theo công nghệ chất bán dẫn. 

Cũng trong “dòng chảy” của việc đầu tư làm chip, tập đoàn bán dẫn Lam Research, một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, thành lập từ năm 1980, có trụ sở tại California, Mỹ, vừa cho biết họ muốn phát triển nhà máy tỷ USD tại Việt Nam. Trong bối cảnh FDI toàn cầu tiếp tục dịch chuyển, Việt Nam mong muốn thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu như Lam Research trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?

    Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?

    04:00, 19/03/2024

  • Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn

    Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn

    03:00, 19/03/2024

  • Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?

    Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?

    02:30, 14/03/2024

QUÂN BẢO