Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có 2 tiêu chí cần đảm bảo
Để hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định, theo chuyên gia, việc xây dựng Nghị định mới cần đảm bảo 2 tiêu chí: an ninh năng lượng quốc gia và vận hành theo cơ chế thị trường…
>> Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Vá “lỗ hổng” về cấp phép
Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, kinh doanh xăng dầu được quản lý bằng 3 Nghị định, bao gồm: Nghị định 83/2014/NĐ-CP; Nghị định 95/2021/NĐ-CP và mới đây nhất là Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Mặc dù được điều chỉnh bằng hàng loạt các chính sách đã nêu, thế nhưng, thị trường xăng dầu được cho vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Và trước thực tế đã nêu, để đảm bảo cơ chế vận hành cho thị trường này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Việc xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là khi không ít các bất ổn, tiêu cực đã hiện hữu trong một vài năm trở lại đây.
Góp ý xây dựng Nghị định, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiệm vụ lúc này với Bộ Công Thương chính là cần xây dựng Nghị định mới có tầm nhìn. Cụ thể, Nghị định mới phải đảm bảo 2 tiêu chí: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, phải giải quyết được gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh.
>> Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?
Theo ông Ánh, để thị trường vận hành ổn định, trước hết cần hạn chế sự can thiệp quá nhiều của cơ quan quản lý. Thị trường sẽ vận hành tốt nếu để doanh nghiệp tự vận động, thực hiện theo đúng các quy định, còn vai trò của cơ quan quản lý sẽ là giám sát và hậu kiểm.
Điển hình như Bộ Công Thương chỉ cần giao chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu tối thiểu trong năm cho các doanh nghiệp đầu mối và định kỳ kiểm tra. Việc của doanh nghiệp sẽ là phải tự lo đàm phán, chọn thời điểm để có giá nhập khẩu tốt nhất và cung ứng đủ số lượng cho thị trường theo đúng phần giao của cơ quan quản lý.
“Túm lại doanh nghiệp đầu mối chỉ cần đảm bảo nhập đủ số lượng, không cần biết là nhập khẩu hay mua lại từ các nhà máy trong nước. Cơ quan quản lý sẽ xử lý nếu doanh nghiệp không đáp ứng được số lượng phân giao. Khi có đầu vào tốt, đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp”, ông Ánh bày tỏ.
Đồng thời kiến nghị, cùng với sắp xếp lại hệ thống, tạo cạnh tranh giữa các đầu mối, giá đầu vào sẽ giảm xuống mức thấp nhất và như vậy doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi. Cùng đó, cần tách khâu bán lẻ khỏi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đi cùng với xóa độc quyền nhóm. Như vậy thị trường sẽ ổn.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu Chính phủ quyết tâm sửa triệt để Nghị định về kinh doanh xăng dầu thì cần mạnh dạn để cho thị trường quyết định hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, phải tách rời khâu bán lẻ ra khỏi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.
Còn nếu đã chọn làm đầu mối, phân phối thì không bán lẻ. Việc cho phép doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối được quyền vừa nhập khẩu vừa phân phối vừa bán lẻ là phi thị trường và tạo sự bất cập trong kinh doanh. Việc vừa nhập khẩu, vừa phân phối và vừa bán lẻ cũng dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường. Đi kèm với việc tách khâu bán lẻ, cũng cần có chi phí định mức riêng biệt cho từng khâu từ nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.
Theo các chuyên gia, việc tách rời chi phí từng khâu sẽ giúp doanh nghiệp hạch toán riêng biệt. Khi nhà phân phối bán ra 1 khối xăng dầu thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ biết phí môi trường và tất cả các loại thuế phải tính toán ngay từ cửa ra của nhà phân phối. Về phần tổng đại lý và đại lý, cục thuế địa phương chỉ thu thuế chênh lệch giá trị gia tăng và giá bán hàng nếu có tăng có giảm. Việc tách chi phí riêng biệt từng khâu sẽ tránh được việc chuyển giá, chuyển thuế phí cho sân sau, tránh được việc ép đại lý bán lẻ bán hàng không có lợi nhuận, giúp cơ quan quản lý thu thuế được đúng và đủ.
Xoay quanh việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, để giúp thị trường vận hành trơn tru, không còn tình cảnh liên tục phải sửa vì những bất cập, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) - Bùi Ngọc Bảo đề xuất, cần phải sửa các quy định quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và để thị trường xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Theo đó, cần gỡ bỏ quy định không cần thiết liên quan đến các thủ tục hành chính trong kinh doanh xăng dầu đi kèm với đó là xây dựng cơ chế làm sao để đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
“Hỏa tốc” việc xuất hóa đơn từng lần bán lẻ xăng dầu
20:37, 18/03/2024
Cơ quan thuế sẽ làm việc với từng cửa hàng xăng dầu
01:00, 11/03/2024
Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu: Còn “vướng” ở đâu?
11:56, 07/03/2024
Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Vá “lỗ hổng” về cấp phép
04:00, 07/03/2024
Petrolimex kiến nghị sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới
00:30, 06/03/2024