Trước các bất ổn, tiêu cực của thị trường xăng dầu thời gian qua, góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia cho rằng, cần vá “lỗ hổng” về cấp phép…
>> Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?
Theo đó, không chỉ gây ra những bất thường, đứt gãy nguồn cung, tại thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu.
Điển hình là việc, Nghị định 83/2014/NĐ-CP cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thuê kho để làm điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên các dự án xây dựng kho xăng dầu thương mại chậm được đầu tư... ảnh hưởng đến nguồn dự trữ, nguồn cung xăng dầu cho thị trường khi cần thiết.
Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh, phân phối xăng dầu, trên thị trường có 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm 2 doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu và không tính 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh xăng dầu hàng không); khoảng trên 300 doanh nghiệp phân phối; tổng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên cả nước là 17.000 cửa hàng. Tuy nhiên, đã có những thời điểm, không ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động do thiếu hàng, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi để mua xăng…
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long cho rằng, thị trường xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất thường, nhất là khi thiếu nguồn cung. Vì vậy, cần sớm chấn chỉnh, siết chặt việc cấp phép kinh doanh xăng dầu. Trong đó, sớm rà soát các điều kiện theo các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng chặt chẽ hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, lợi dụng lỗ hổng của quy định để vượt qua vòng cấp phép, sau đó trục lợi.
Cần xem xét sửa quy định về các điều kiện để được làm thương nhân đầu mối xăng dầu. Đơn cử, một trong những điều kiện đó là cần có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác…
>> Sửa Nghị định 80/2023: Cần minh bạch nguồn cung xăng dầu
Theo vị chuyên gia này, Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ban hành cuối tháng 11/2023 cũng chưa “vá” được các lỗ hổng về cấp phép kinh doanh xăng dầu…
Đồng thời đề xuất, siết quy định cấp phép, xem xét sửa đổi quy định doanh nghiệp đầu mối được phép thuê kho theo hướng chặt chẽ hơn để bảo đảm về hạ tầng, tiềm lực tài chính, xem đây là điều kiện quan trọng để được cấp phép hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
“Từ kết quả thanh tra, bức tranh về doanh nghiệp đầu mối với nhiều mảng màu tối, trong đó, câu chuyện về tài chính cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá đúng năng lực khi xem xét, cấp phép. Với một lĩnh vực quan trọng như xăng dầu, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, không thể để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, lợi dụng các chính sách để trục lợi”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, việc quản lý đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về hạn mức tối thiểu trong nhập khẩu xăng dầu cũng được cho là vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh.
Cũng tại kết luận của Thanh tra Chính phủ, đơn vị này đã nêu rõ, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhưng bộ này không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý. Hệ quả dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý…
Nhìn nhận về vấn đề này, thông tin với báo chí trước đó, TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.
Khi đã phân giao, Bộ Công Thương phải kiểm tra xem doanh nghiệp có nhập không, nhập thế nào, có đảm bảo hạn mức không? Trong trường hợp này, Bộ Công Thương không kiểm tra, hoặc kiểm tra cho có, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thực hiện chức trách của mình.
“Việc không kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có dòng tiền từ vay ưu đãi từ ngân hàng sử dụng trái mục đích, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Khi thị trường này biến động mạnh mẽ, cuốn vào “cơn lốc” suy giảm thì nguồn tiền của những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kia cũng bị ảnh hưởng”, ông Phong chia sẻ.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh tình trạng doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu phục vụ thị trường trong nước, theo vị chuyên gia này, thời gian tới nên thay đổi hình thức dự trữ quốc gia, và nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu. Nhà nước cũng nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có thể học kinh nghiệm ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản… đồng thời, nên đầu tư cho hệ thống dự trữ xăng dầu, bảo đảm mạch máu của nền kinh tế.
Được biết, liên quan đến việc xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát và khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024.
Có thể bạn quan tâm
Petrolimex kiến nghị sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới
00:30, 06/03/2024
Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?
14:00, 31/01/2024
Sửa Nghị định 80/2023: Cần minh bạch nguồn cung xăng dầu
04:00, 29/01/2024
Đôn đốc, thu hồi nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu
15:42, 23/01/2024
Vá “lỗ hổng” kinh doanh xăng dầu
14:20, 23/01/2024