Tham vọng của SK Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Với việc bắt tay hợp tác sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chaebol lớn thứ hai của Hàn Quốc, SK Group cho thấy tham vọng trong lĩnh vực rất nóng tại Việt Nam.
>>>SK Group cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Mới đây, theo truyền thông Hàn Quốc đưa tin, SK ecoplant, công ty con của tập đoàn chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc SK Group đã bắt tay với BCG Energy, thuộc tập đoàn Bamboo Capital Group của Việt Nam, để hợp tác sản xuất 700 MW năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo thông báo của SK ecoplant, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ cùng phát triển 300 MW điện gió trên bờ, 300 MW điện mặt trời trên mái nhà và 100 MW điện mặt trời trên bờ. Các dự án sản xuất điện gió chủ yếu được phát triển ở Gia Lai, một tỉnh vùng cao ở miền Trung Việt Nam với nguồn gió dồi dào.
SK Ecoplant, trước đây là SK E&C (SK Engineering & Construction), đang nỗ lực chuyển đổi từ một công ty xây dựng thành một công ty năng lượng thân thiện với môi trường. Công ty cho biết họ sẽ tham gia vào các dự án nhằm đảm bảo quyền carbon đối với những lợi ích được tạo ra từ việc giảm phát thải carbon, bằng cách bán tín dụng carbon trong các thị trường carbon tự nguyện hoặc tuân thủ hoặc thông qua chương trình thanh toán dịch vụ hệ sinh thái (PES) do các chính phủ tài trợ.
Năm 2021, SK Ecoplant đã đăng ký dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Theo chương trình, SK Ecoplant sẽ nhận được quyền phát thải carbon từ cơ quan Liên hợp quốc tương ứng với việc thực hiện các dự án giảm khí thải nhà kính.
Trong khi đó, BCG Energy là nhà phát triển địa phương có uy tín cho cả dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Công ty đã vận hành một nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 600 MW và một số dự án phát triển điện gió có công suất vượt quá 800 MW tại Việt Nam.
Theo các nhà quan sát trong ngành, Việt Nam có tiềm năng rất lớn đối với các dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió nhờ có nhiều ánh nắng và gió thổi từ bờ biển dài phía bắc đến phía nam quanh năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều hòn đảo có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 5 mét/giây. Đây là một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho việc sản xuất điện gió.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường năng lượng mặt trời của Việt Nam dự kiến sẽ tăng vọt từ 18,4 GW vào năm 2023 lên 20,4 GW vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) mạnh mẽ trên 2,1%. Và để theo kịp nhu cầu năng lượng Việt Nam dự đoán nhu cầu điện sẽ tăng 8% mỗi năm, cần khoảng 10 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài vào năng lượng, tạo điều kiện cho 100% sở hữu nước ngoài.
>>>Những toan tính mới của SK Group tại Việt Nam
>>>SK Group và “khẩu vị mới” ở Việt Nam
Chiến lược đầu tư mới của SK Group
Việt Nam được coi là cửa ngõ cho sự mở rộng của SK Group tại Đông Nam Á trong gần ba thập kỷ kể từ khi cựu Chủ tịch Chey Jong-hyun bắt đầu một dự án phát triển dầu mỏ vào những năm 1990. Hiện tại, SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn Hàn Quốc đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chủ yếu thông qua các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Thời gian đầu họ tập trung vào một số lĩnh vực đang phát triển mạnh của Việt Nam như phân phối bán lẻ, hậu cần và fintech với các thương vụ mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ hàng đầu như Masan Group hay là VinCommerce.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020 SK Group đã có những sự thay đổi sâu sắc về chiến lược phát triển của tập đoàn. Họ bắt đầu bán các tài sản không còn phù hợp nhằm đẩy mạnh việc chuyển dịch của tập đoàn từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống sang tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như pin xe điện, nhiên liệu hydro, sinh học và chip.
Tập đoàn này đã chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực kinh doanh theo chủ đề ESG như pin EV và các thành phần của chúng, cũng như pin nhiên liệu hydro. Họ cũng đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội và cách thức mới để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhằm vào các mục tiêu phát thải và giảm thiểu phát thải, các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như sử dụng hydro và carbon, công nghệ thông tin và truyền thông.
SK E&S, công ty sản xuất điện LNG của SK Group đang dẫn đầu các dự án năng lượng sạch của tập đoàn mẹ tại Việt Nam. Công ty đã vận hành một trang trại năng lượng mặt trời với công suất phát điện 131 megawatt (MW) tại Ninh Thuận, miền Nam Việt Nam kể từ năm 2020. Công ty Cũng đang sản xuất điện cho mục tiêu thương mại ở Tiền Giang. Công suất của nó đã tăng gấp 5 lần lên 100MW vào năm 2023.
Đầu năm 2023, SK E&C thành lập liên doanh Solwind Energy với Điện Gia Lai, công ty con của tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam TTC. Liên doanh đang thực hiện một dự án năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, phía Đông Nam Việt Nam, để xây dựng các tấm pin trên mái nhà.
Có thể thấy, sau nhiều năm tập trung vào các lĩnh vực thương mại và dịch vụ tại Việt Nam, SK Group đã có những bước đi khác nhắm đến các lĩnh vực tăng trưởng mới và đang phát triển của Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch tập đoàn Chey Tae-won khẳng định trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 28 tháng 10 năm ngoái rằng, SK Group sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực từ thu hồi carbon đến tái chế chất thải và các trang trại năng lượng mặt trời và gió.
Có thể bạn quan tâm
SK Group “lấn sân” dược phẩm Việt Nam
11:39, 21/12/2021
Bước đi mới của SK Group vào thị trường bán lẻ Việt Nam
04:08, 14/11/2021
Vì sao SK Group “thích” Masan?
11:00, 15/04/2021
SK Group đầu tư cho thành viên Masan, VinCommerce được định giá 2,5 tỷ USD
10:49, 06/04/2021
Sau thương vụ tỷ USD, SK Group trở thành cổ đông lớn của Vingroup
10:00, 29/05/2019
Quỹ của VinaCapital thoái vốn, SK Group thế chân tại Imexpharm
04:55, 16/06/2021