Hơn 2.000 ô tô VEAM tồn kho gần chục năm, sắp thành sắt vụn?
Hơn 2.000 ô tô của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá, với giá trị ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng, đã phơi mưa, phơi nắng gần chục năm, có nguy cơ trở thành đống sắt vụn.
>> Bài toán khó của VEAM
Báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) năm 2023 cho biết, vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp trong khâu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa (đơn vị thành viên thuộc VEAM).
Từ nhiều năm nay, tồn kho ô tô của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa đã là vấn đề khó giải quyết. Hiện còn 2.268 xe tải và xe khách 15 chỗ, mang thương hiệu VEAM, sản xuất giai đoạn từ năm 2017 về trước, ế ẩm tồn kho chưa xử lý được.
Vào giữa năm 2021 VEAM đã tiến hành đấu giá lô xe này với giá khởi điểm là 972 tỷ đồng nhưng không thành. Đến cuối năm 2021, tiếp tục đấu giá lần 2 với giá khởi điểm giảm còn 963 tỷ đồng cũng không thành. Đầu năm 2022 lầm đấu giá thứ 3 được tiến hành, giá khởi điểm giảm xuống còn 931 tỷ đồng, cũng vẫn không thành công. Cho đến giữa năm 2023, lần đấu giá thứ 4 diễn ra, giá khởi điểm giảm mạnh còn 627 tỷ đồng, vẫn không có người mua. Như vậy, sau bốn lần đấu giá không thành công, giá trị khởi điểm lô tài sản giảm 345 tỷ đồng (giảm 35%).
Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa, một dự án điểm, nằm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020, do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, ban đầu được kỳ vọng rất nhiều.
Vào đầu năm 2004, VEAM trúng thầu mua lại nhà máy sản xuất ô tô tải, của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Đây là nhà máy được đầu tư bài bản, đồng bộ và hiện đại, đã từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu. Do khủng hoảng tài chính (năm 1997). Samsung quyết định bán nhà máy này để trả nợ.
Ngày 18/7/2004, VEAM tiến hành lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Dự kiến sau 18 tháng tháo dỡ tại Hàn Quốc, chuyển về Việt Nam lắp ráp, nhà máy sẽ hoàn tất và đi vào sản xuất. Các sản phẩm của nhà máy gồm: xe tải nhẹ, công suất 25.000 xe/năm; xe tải trung và nặng công suất 5.000 xe/năm; xe khách công suất 3.000 xe/năm. Ban đầu ô tô xuất xưởng sẽ có tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%. Giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước. Khi tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì giá xe sẽ giảm xuống. Sau 7 năm sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70%, sẽ có 3 lần giảm giá xe.
Tuy nhiên, ngay sau đó mọi chuyện đã trục trặc. Do gặp nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, cũng như những yếu tố không tương thích về hạ tầng sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thời gian hoàn thành nhà máy kéo dài hết năm này qua năm khác. Phải đến cuối 9/2009, sau hơn 5 năm, tính từ ngày khởi công, Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá mới xuất xưởng chiếc xe đầu tiên.
Theo lộ trình đến năm 2018 sẽ đạt 100% công suất với 33.000 xe/năm và phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với mong muốn. Kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy ô tô VEAM chỉ đạt sản lượng 3.000 xe các loại/năm. Trong khi đó, theo tính toán phải đạt 15.000 xe/năm mới có hiệu quả. Chính vì vậy mà cứ lỗ dài và hàng năm vẫn phải nhận tiền từ VEAM để duy trì hoạt động.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương đầu năm 2019 cho thấy, đến 31/12/2018 tổng vốn đầu tư nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm này là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ 2017 trở về trước là 2.355 và xe sản xuất từ 2015 về trước là 219 xe. Trong số các sản phẩm của VEAM, chỉ có các loại xe thương hiệu Hyundai tiêu thụ được và có lợi nhuận tương đối tốt. Còn lại xe không mang thương hiệu Hyundai đều bán chậm, tồn kho nhiều và lỗ. Đặc biệt là xe thương hiệu VEAM, được lắp từ các cụm linh kiện khác nhau, của nhiều nhà cung cấp, không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ, tồn kho chiếm phần lớn. Tồn kho sản phẩm có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, có nguy cơ mất vốn rất lớn, do xe sản xuất từ lâu, đã lỗi thời và hư hại.
Các ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do VEAM không có đối tác và sản phẩm chủ đạo; phát triển dàn trải, không phù hợp với thị trường nên không bán được.
Kết quả là nhiều năm qua, sân Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa đã thành bãi lưu xe. Hơn 2.000 xe được xếp hàng ngay ngắn, trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Thân vỏ xe, thùng xe, khung xe han gỉ, bị cỏ dại mọc xuyên qua; các chi tiết máy móc bị bong tróc, do phơi mưa, phơi nắng trong thời gian dài.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo VEAM đặt ra nhiệm vụ tiếp tục tìm kiếm, đề xuất phương án phù hợp để tiêu thụ xe tồn kho nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, với xe đã cũ nát để lâu năm, sẽ rất khó bán được giá. Thiệt hại vô cùng lớn.
Có thể bạn quan tâm
Cựu Chủ tịch Tổng Công ty VEAM lĩnh án 11 năm tù
18:18, 24/05/2022
Chưa thành khẩn, cựu Chủ tịch VEAM bị đề nghị áp dụng án tù nghiêm khắc
16:33, 20/05/2022
Khởi tố nguyên Chủ tịch và Tổng Giám đốc VEAM
20:33, 18/02/2022
Đề nghị truy tố cựu chủ tịch VEAM và đồng phạm
15:30, 30/07/2021
Bắt nguyên Giám đốc nhà máy ô tô VEAM
15:26, 15/04/2021
VEAM khó chuyển sàn
14:01, 11/04/2021
Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota
07:28, 03/03/2019