Cần chính sách ưu tiên tín dụng để phát triển vận tải đường thủy
Để khai thác vận tải đường thủy hiệu quả hơn trước những hạn chế liên quan đến đội tàu trong nước, theo các chuyên gia, cần có các chính sách ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư tàu.
>> Logistics cho nông sản ĐBSCL: "Khơi dòng" cho vận tải đường thuỷ
Theo đó, ngành Hàng hải và đường thủy nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hóa với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.
Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Đồng thời, đội tàu Việt Nam cũng phát triển nhanh trong những năm gần đây, đảm nhận 100% sản lượng nội địa và 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với đường thủy nội địa, hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông. Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển khoảng 225 triệu tấn.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống vận tải đường thủy vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Đáng chú ý là cơ cấu đội tàu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ.
>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: Chi phí logistics “đè nặng” nông sản
Thực tế, Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng chỉ có 48 tàu container. Cùng với đó, có nhiều tàu đã trên 25 tuổi và theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu, có thể sẽ không được vận chuyển.
Trong khi đó, chi phí đầu tư tàu lại quá lớn, nhất là tàu container, bởi lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao. Đơn cử như cỡ tàu 1.800 TEU đóng mới, khi vay 50% từ ngân hàng với thời gian 96 tháng thì chi phí lãi vay lên tới 20% tổng chi phí đầu tư. Mặt khác, chi phí VAT nhập khẩu tàu hiện tại là 10% giá mua, điều này làm gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng nêu trên, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu đãi thuế phí cho doanh nghiệp đầu tư tàu để phát triển đội tàu Việt Nam, từ đó khai thác vận tải đường thủy hiệu quả hơn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho biết, để duy trì phát triển đội tàu Việt Nam, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó cần ưu tiên phát triển tàu có capacity từ 1.700 TEU; ưu tiên tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng.
Vì vậy, ông Hải đề xuất Nhà nước cần có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container như miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container.
Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách quản lý giám sát hải quan theo hướng linh hoạt và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu, chuyển cảng, quá cảnh, cũng cần miễn thuế thu nhập cho thuyền viên trên tàu khai thác nội địa.
"Quản lý và điều chỉnh các chí phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam như phí tàu lai dắt, phí bốc xếp một cách đồng nhất, ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông Hải đề xuất.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300-400 tỷ đồng là cao nhất.
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung danh mục phương tiện và Nhà nước xem xét ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu”, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam bày tỏ.
Bên cạnh các vấn đề đã nêu, Hội Vận tải thủy nội địa cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành quy chuẩn tàu sông 72 (sửa đổi), giúp ngành đóng tàu và người dân có bộ luật hoàn chỉnh, không làm mất thời gian và giảm chi phí đầu tư phát triển phương tiện.
Có thể bạn quan tâm
Logistics cho nông sản ĐBSCL: "Khơi dòng" cho vận tải đường thuỷ
04:00, 17/05/2022
Thu phí vận tải đường thủy nội địa còn nhiều… quan ngại
15:44, 08/04/2022
TP.HCM: Rà soát hoạt động vận tải đường thuỷ khi mở cửa du lịch
04:00, 19/03/2022
Kiến nghị mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy
19:30, 16/08/2021
Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ
03:30, 05/07/2021