Quảng Ninh: Bàn giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính, môi trường đầu tư
Các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.
>>>Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái
>>>Quảng Ninh: Sớm công bố Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cô Tô là cảng lưỡng dụng
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh mới đây.
Chưa bứt phá mạnh mẽ
Theo đó, sau 3 năm triển khai nghị quyết số 05, tỉnh Quảng Ninh đã có 7/8 mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu đề ra theo từng năm, 1/8 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện.
Theo ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện chủ trương Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Minh chứng rõ nét nhất là 6 năm liên tiếp (2017 - 2022), tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI. Đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Kinh tế của địa phương này liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên hai con số trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023) và luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.
Về đánh giá kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023, theo kết quả công bố, đối với Chỉ số PAR INDEX, giá trị trung bình đạt được trong đánh giá Chỉ số PAR INDEX đối với 51 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh là 85,39%. Trong đó, 35/51 đơn vị có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2022.
Về Chỉ số DDCI được đánh giá thực hiện đối với 36 cơ quan, đơn vị, địa phương, so với năm 2022 có 24/36 đơn vị có điểm số đạt được tăng so với năm 2022. Đối với Chỉ số SIPAS, tỷ lệ hài lòng trung bình trong toàn tỉnh là 95,28%, so với năm 2022 tỷ lệ đánh giá hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh giảm 0,12%; trong 41 cơ quan thực hiện đánh giá, có 14/41 đơn vị thực hiện đánh giá có tỷ lệ đánh giá hài lòng tăng hơn so với năm 2022.
Còn đối với Chỉ số DGI, giá trị trung bình đạt được của các huyện, thị xã, thành phố là 91%. So với năm 2022, giá trị trung bình đạt được trong Chỉ số DGI cấp huyện giảm 0,2%. So với năm 2022 có 5/13 địa phương có điểm đạt được tăng hơn.
Ngoài ra, đối với chỉ số DTI, đây là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số đối với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, đối với các sở, ban, ngành, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các sở, ban, ngành đạt được trong năm 2023 là 550 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các huyện, thị xã, thành phố đạt được trong năm 2023 là 653 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình. Đối với các đơn vị cấp xã, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các xã, phường, thị trấn đạt được trong năm 2023 là 570 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành, địa phương. Kết quả đánh giá các Chỉ số CCHC, SIPAS, DDCI, DGI, ICT của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023 cho thấy đã có sự cải thiện, song so với kết quả xếp hạng năm 2023 chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, cho thấy sự chững lại. Một số mục tiêu thành phần liên quan đến công tác chuyển đổi số chưa bảo đảm tiến độ. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời triển khai giám sát chuyên đề; công tác phối hợp trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc còn chậm. Các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để, chưa tập trung nhiều vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Bàn giải pháp khắc phục
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc nhận diện về những tồn tại, hạn chế; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo ông Ký, các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Từng địa phương, sở, ngành phải tạo chuyển biến thực chất hơn nữa chất lượng các chỉ số PAR- Index, SIPAS, DDCI, DGI, ICT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng hành thực chất, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
“Mục tiêu hướng đến phải tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với bối cảnh, xu thế chuyển đổi, xu thế phát triển mới như xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nhân lực, nâng cao hình ảnh vị thế của địa phương trên các bảng xếp hạng quốc gia, quốc tế, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chất lượng tăng trưởng; củng cố và nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp”, ông Ký cho biết.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khác với nhiều địa phương, tỉnh Quảng Ninh cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Đồng thời, là điểm sáng trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, với dư địa và không gian phát triển tiềm năng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được các nhà đầu tư chọn là điểm đến.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, các hoạt động cải cách hành chính và cả thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh cần có điểm mới, tiên phong so với các tỉnh thành khác. Cơ cấu nhà đầu tư sẽ đa dạng hơn, chính vì vậy cần có sự cân bằng tới các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, để đón làn sóng mới trong đầu tư, tỉnh Quảng Ninh cũng cần chú trọng vấn đề về điện, đây cũng là những lo ngại mà các nhà đầu tư, sản xuất quan tâm.
Có thể bạn quan tâm