“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”
Việc hàng loạt lãnh đạo các cấp thoái hoá biến chất đã bị xử lý thích đáng cho thấy sự nhất quán, quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng – diệt “giặc nội xâm”…
Công tác phòng, chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của cả người dân và doanh nghiệp. Và trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân”, vừa là “tác nhân” của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, thậm chí khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công.
>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”
Những con số “khủng”…
Có thể thấy, hàng loạt "đại án" tham nhũng kinh tế làm chấn động dư luận vừa qua liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, ngành Đăng kiểm Việt nam, hay mới đây nhất là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long. Trong đó, những lãnh đầu đứng đầu các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc…đã phải “đổ gục” trước sức mạnh của “kim tiền” là những minh chứng rõ nét nhất.
Tham nhũng luôn luôn là căn bệnh quái ác, không chỉ làm hao hụt ngân sách quốc gia, tiền của của nhân dân, mà còn gây mất cán bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Đây là vấn đề mà Đảng ta đã nhận thức rõ từ sớm, chưa bao giờ chủ quan, mà luôn cảnh giác ở mức độ cao nhất, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ Đại hội VII, Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”, là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”; đến nay, đây “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.
Trở lại vụ án của Vạn Thịnh Phát, quả thực chỉ đọc những con số liên quan đến “đại án” này, chắc hẳn nhiều người choáng váng vì số tiền chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD, xô đổ mọi kỷ lục về tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam từ trước đến nay.
Thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân và rút ruột 1.066.000 tỷ đồng, sau đó thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật, là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giúp Trương Mỹ Lan lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ đồng, cùng lãi phát sinh 129.372 tỷ đồng là tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Tiếp tay, góp phần cho Trương Mỹ Lan tham ô là 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Trong đó phải kể đến Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho những sai phạm của “tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và bà “trùm mafia” Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB.
Số tiền này lớn hơn tổng số tiền Công ty Việt Á hối lộ cho toàn bộ các quan chức trong “đại án” nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 là khoảng 106 tỷ đồng, trong đó cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD. So với Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - bị can bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong đại án chuyến bay giải cứu về cả số lần nhận và số tiền là 42 tỷ đồng, số tiền Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ nhiều gấp 3 lần.
Số tài sản bị kê biên của Trương Mỹ Lan gồm 589 tỉ và 15 triệu USD, 43 tài khoản ngân hàng (gần 2.100 tỷ đồng), 789 tỉ trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận công trình xây dựng; 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan; 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên cùng nhiều cổ phần của bà Lan tại các công ty có liên quan…
>>Còn cơ chế “xin – cho” là còn tham nhũng
…Và chiêu trò “lũng đoạn”
Nhìn vào số tài khoản “khủng” đó đủ thấy mức độ giàu có của bà Lan ra sao, và để có được số tài sản đồ sộ đó, bà Lan đã có những chiêu trò lũng đoạn, rút ruột SCB rất cao tay mà bất cứ ai nghe thấy cũng phải ngả mũ chào thua bởi đầu óc “có sỏi” của người đàn bà thủ đoạn này.
Theo đó, mặc dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan lại là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này với vai trò là cổ đông lớn vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay, bà ta luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Để thực hiện kế hoạch rút ruột SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trong đó SCB có vai trò “đặc biệt quan trọng”, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong “hệ sinh thái”.
Tại ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt của ngân hàng đồng thời nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó bà Lan chỉ đạo thuộc cấp tại SCB và hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập cả nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn của ngân hàng. Các tài khoản kí “khống” này đều thực hiện rút tiền tại SCB trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, để thực hiện được hành vi rút, chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB thông qua thủ đoạn vay, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá để phát hành các chứng thư thẩm định giá giúp hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra xác định, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 công ty thẩm định giá gồm: Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống.
Còn nhiều vụ án, nhiều đối tượng nữa đã được gọi tên, như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bắt giam do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil… Theo số liệu báo cáo trong hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tính đến nay đã có hơn 1.000 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng.
Vì sao, chống tham nhũng quyết liệt như vậy, nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn có vẻ ngày thêm nặng, số đối tượng trong một vụ án, số tiền đưa, nhận hối lộ "khủng" chưa từng thấy? Mấy năm trước, một cựu Bộ trưởng nhận hối lộ ba triệu USD, dư luận đã thấy số tiền quá lớn. Nhưng giờ đây, Đỗ Thị Nhàn vốn là Cục trưởng Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD. Chỉ một thư ký của thứ trưởng cũng đã nhận hối lộ đến hơn 42 tỷ đồng. Và mới nhất, một chánh văn phòng cấp huyện đã được Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn “lót tay” tới 64 tỷ đồng. Những con số thật khủng khiếp!
Trở lại vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong cuộc chiến chống tham nhũng - diệt “giặc nội xâm” hiện nay, một số nghiên cứu đã đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để các doanh nghiệp có thể phòng, chống tham nhũng trong cả khu vực tư và công. Những lợi ích kinh doanh mạnh mẽ và tư lợi, có khả năng thách thức việc lạm dụng quyền lực chính trị, cũng là phương tiện quan trọng để góp phần thiết lập các ràng buộc về việc sử dụng quyền lực nhà nước.
Và nhiều ý kiến cũng cho rằng, để trị “bệnh tham nhũng” thì việc đầu tiên là cần phải làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó, việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm