Doanh nghiệp vẫn gặp khó, lãnh đạo Sở Quảng Nam nói cần chia sẻ?
Khó khăn vẫn đè nặng cộng đồng doanh nghiệp khiến số lượng tạm dừng hoạt động và chờ giải thể vẫn gia tăng, lãnh đạo Sở KH&ĐT Quảng Nam cho rằng doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với địa phương.
>>Doanh nghiệp Quảng Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự phục hồi
Tại buổi họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã nêu vấn đề đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tình hình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, qua số liệu cho thấy số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chờ giải thể vẫn tăng và cao hơn so với số lượng các đơn vị thành lập mới, tái gia nhập thị trường.
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đặt câu hỏi rằng: “Từ đây, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã tiến triển thế nào?”
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho hay sau khi qua khỏi đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại đây, nhiều doanh nghiệp không có việc làm đành phải tạm dừng hoạt động.
Theo ông Hưng, việc hình thành một doanh nghiệp, dựa trên cơ sở tự quyết định đến từ lợi thế, cơ hội của chính doanh nghiệp. Khi không có việc làm hoặc gặp khó khăn không hoạt động thì doanh nghiệp sẽ tự động tạm dừng.
“Có thể giai đoạn hiện nay số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rút khỏi thị trường cao hơn số thành lập mới, tái gia nhập nhưng ở một thời điểm khác số doanh nghiệp mới thành lập sẽ cao hơn. Và một cá nhân không chỉ gắn bó với một doanh nghiệp, có thể lập nên nhiều doanh nghiệp khác. Hoặc doanh nghiệp này không còn cơ hội nữa, đã hết sứ mệnh, thì sẽ có một doanh nghiệp khác được lập nên. Tuy nhiên vẫn chính là do quyết định của bản thân doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hưng, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời gian vừa qua thấp hơn so với số lượng tạm dừng hoạt động, chờ giải thể phía Sở cũng đã nhận thấy. Tại đây, vị này nhìn nhận việc doanh nghiệp khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế địa phương, vấn đề giải quyết việc làm trên địa bàn.
Trong giai đoạn này, ông Hưng cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ với địa phương. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã có những hành động thái trợ của, tập trung tháo gỡ trong sản xuất kinh doanh, vì vậy, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với tỉnh.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự phục hồi và đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới tại Quảng Nam có 301 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 1.643 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 24,7% về số vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 516 doanh nghiệp, tăng 5,74%.
Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 721, tăng 14,26% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 620 doanh nghiệp, tăng 11,71%, có 49 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 36,11% và 52 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 30%.
Theo ghi nhận, trong giai đoạn năm 2023 và đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chờ giải thể vẫn chưa được cải thiện. Tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên phần những những vấn đề mà doanh nghiệp đều vượt thẩm quyền của địa phương.
Về những khó khăn nhận thấy, các doanh nghiệp nhóm bất động sản, xây dựng, du lịch là những đơn vị chịu nhiều áp lực và đang chờ được tháo gỡ. Thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng đã thường xuyên ý kiến đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhằm sớm được hỗ trợ, vượt qua giai đoạn “sinh tử”.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng UBND tỉnh sớm có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bởi “sức khỏe” của các đơn vị vẫn chưa hẹn ngày phục hồi hoàn toàn.. Theo ông Bảo, giải pháp đề xuất của Hiệp hội cần được thông qua và nhanh chóng triển khai để “trợ lực” cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, Từ việc doanh nghiệp hồi phục, các đơn vị sẽ quay trở lại đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
“Sức đề kháng” doanh nghiệp Quảng Nam vẫn đang yếu
01:00, 29/03/2024
Thu hút vốn FDI vào Quảng Nam còn gặp khó
14:38, 27/03/2024
“Thúc” tiến độ dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
17:05, 15/03/2024
Tập trung gỡ khó cho các dự án bất động sản Quảng Nam
11:04, 11/03/2024
Quảng Nam: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
10:00, 07/03/2024