Thu hút vốn FDI vào Quảng Nam còn gặp khó

TUẤN VỸ 27/03/2024 14:38

Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Quảng Nam trong năm 2023 sụt giảm do các nguyên nhân từ đại dịch, áp lực lạm phát, gián đoạn trong chuỗi giá trị cung ứng sản xuất,...

>>Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tại báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, tỉnh Quảng Nam cho hay trong năm 2023 địa phương đã cấp mới 04 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 58,58 triệu USD (so với năm 2022, số lượng dự án cấp mới giảm 01 dự án, tổng vốn đầu tư giảm 9,66 triệu USD), điều chỉnh 31 dự án (trong đó có 07 dự án tăng vốn), chấm dứt hoạt động đối với 05 dự án. Cùng với đó, địa phương đã thông báo chấp thuận cho 07 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam có 193 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,08 tỷ USD, các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ… Trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 57 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 866 triệu USD, Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 08 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

a

Tỉnh Quảng Nam vừa trao chứng nhận cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến địa phương để đầu tư, phát triển.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 1.772 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 1.277 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 873 triệu USD. Đến nay, các doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho khoảng 61.000 lao động tại địa phương.

Qua đánh giá, tình hình thu hút đầu tư FDI đối mặt với sụt giảm do tác động của suy thoái kinh tế, áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt, gián đoạn trong chuỗi giá trị cung ứng sản xuất… dẫn đến nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới, đầu tư mở rộng để tránh rủi ro. Cùng với đó, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng cũng ảnh hưởng nhiều đến sức hút các dòng vốn FDI.

Quảng Nam cũng nhận thấy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đang thận trọng và cân nhắc trong việc lựa chọn các quốc gia để đầu tư, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, các dự án đầu tư tại Quảng Nam tập trung vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp nhưng đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho thị trường lĩnh vực này suy giảm, chưa kịp phục hồi nên các nhà đầu tư cân nhắc lại thời điểm đầu tư.

a

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện, điện tử, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt,...

Vì vậy, để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ vận dụng các lợi thế từ Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, địa phương này sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…

Đồng thời, Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị cung ứng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Báo cáo do ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký thông tin: “Quảng Nam sẽ phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia”.

Song song với đó là phát triển ngành công nghiệp hàng không để hình thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Phát triển các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống.

Tóm tắt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa được phê duyệt, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương được định hướng sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao. Cụ thể, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.

“Tiếp tục phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Khai thác tối đa công năng và năng lực của hệ thống cảng biển, sân bay. Đầu tư các khu phi thuế quan gắn với cảng biển, sân bay thành các trung tâm sản xuất, gia công, chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các hoạt động thương mại, dịch vụ đặc thù”, ông Thanh nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều doanh nghiệp chọn Quảng Nam làm điểm đến đầu tư

    Nhiều doanh nghiệp chọn Quảng Nam làm điểm đến đầu tư

    14:55, 19/03/2024

  • Động lực mới cho Quảng Nam

    Động lực mới cho Quảng Nam

    14:08, 23/03/2024

  • Quảng Nam trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án gần 20.000 tỉ đồng

    Quảng Nam trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án gần 20.000 tỉ đồng

    12:13, 16/03/2024

  • Đảm bảo “tuân thủ - linh hoạt - đồng bộ - thấu hiểu” trong quy hoạch Quảng Nam

    Đảm bảo “tuân thủ - linh hoạt - đồng bộ - thấu hiểu” trong quy hoạch Quảng Nam

    12:02, 16/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu hút vốn FDI vào Quảng Nam còn gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO