Lối đi nào cho nông sản Nghệ An vươn mình ra thế giới?
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics, vươn rộng ra thị trường nước ngoài là nhiệm vụ cấp thiết mà tỉnh Nghệ An đề ra…
Mặc dù có lợi thế lớn về sản xuất nhiều loại nông sản đặc trưng để xuất khẩu, vậy nhưng các doanh nghiệp Nghệ An vẫn đang gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến chi phí phục vụ sản xuất cũng như phí dịch vụ logistics tăng cao. Trong khi đó, giá bán lại giảm bởi sức ép cạnh tranh đến từ các nước có nền nông, lâm, ngư nghiệp mạnh; nhất là ở các loại hàng nông sản chế biến.
Nhận diện thách thức
Những năm qua, nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Nghệ An; góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Theo định hướng chung mà lãnh đạo tỉnh đề ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương khai thác thế mạnh này nhằm gia tăng sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức canh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.
>>Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An
Số liệu thống kê mà tỉnh Nghê An cung cấp cũng cho thấy, trong năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều mặt hàng nông sản của địa phương cơ bản vẫn giữ được sự ổn định, có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá.
Đáng chú ý hơn cả, đó là tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng vật liệu xây dựng, khoáng sản, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như nước hoa quả chế biến. Cụ thể, tỷ lệ hàng qua chế biến ước tính tăng 8,17% so với năm 2022. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia xuất khẩu mới như: Thủy sản Biển Quỳnh xuất khẩu sang Mỹ, nước mắm Vạn Phần xuất khẩu sang Nhật Bản, lươn xứ Nghệ,...
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp Nghệ An, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như: Tinh bột sắn, hoa quả tươi… thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn khu vực cửa khẩu (cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai, Móng Cái - Quảng Ninh…); gây ra tình trạng giao nhận hàng bị chậm trễ, làm ảnh hưởng uy tín đến các đối tác, khách hàng, thiệt hại về kinh tế.
>>Nhiều dự án trọng điểm tạo điểm nhấn cho kinh tế Nghệ An
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cùng nêu ra một nội dung khi phải chịu chung tình trạng, đó là hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài…
Gỡ “điểm nghẽn”, phát triển xuất khẩu
Liên quan đến thực trạng trên, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 1644/UBND-NN ngày 6/3/2024 gửi các sở ngành, địa phương yêu cầu tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Theo nội dung văn bản, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ Logistics nông sản. Đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các mô hình hoạt động của các Trung tâm.
>>Gia tăng giá trị dược liệu xuất khẩu Việt Nam
Đặc biệt, tỉnh cũng yêu cầu ngành công thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ Logistics nông sản. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ Logistics ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, còn giao Sở Giao thông vận tải tham mưu đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống vận tải gắn kết các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản và hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thuận lợi, tiết kiệm chi phí vận chuyển nội địa, chi phí Logistics.
Mặt khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng Logistics nông sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công; hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các chương trình, nhiệm vụ và dự án phát triển hệ thống Logistics nông sản.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia đầu tư xây dựng các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trên địa bàn tỉnh…
Các địa phương cấp huyện rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ Logistics nông sản. Cùng với đó, rà soát, đề xuất thành lập Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, Sở NN&PTNT, các địa phương cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản tại các vùng nguyên liệu chủ lực để cung cấp nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ logistics nông sản…
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Xử lý bất cập sau phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp
00:30, 31/03/2024
Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép
11:00, 30/03/2024
Nghệ An: Nhà thầu “phá cầu” nhưng không làm đường tạm?
00:06, 27/03/2024
Nghệ An kiến tạo đô thị “vệ tinh” bổ trợ cho khu kinh tế
14:38, 23/03/2024