Đắk Nông: Phấn đấu 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số
Với mục tiêu đến 2025, kinh tế số có đóng góp giá trị kinh tế đáng kể trong tổng GRDP của địa phương, Đắk Nông đang phấn đấu đưa 100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số để phát triển.
>>Kon Tum: Thúc đẩy kinh tế số
Tính đến tháng 12/2023, tại Đắk Nông đã có 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 71/71 UBND các xã, phường, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Có 591 người được phân công, chuyên trách làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin cùng hơn 4000 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 4.000 thành viên.
Điều này cho thấy, lực lượng tham gia công tác chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số để phát triển kinh tế ở địa phương đã được chuẩn bị chu đáo.
Để có những bứt phát trong phát triển kinh tế số, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn các hoạt động liên kết về chuyển đổi số. Đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và về phát triển kinh tế số. Hàng năm tham mưu việc vinh danh các doanh nghiệp điển hình về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Theo một báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn hiện có 2.849 doanh nghiệp, 265 tổ chức, 967 hộ kinh doanh đang hoạt động áp dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm, trong đó có 47 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 27.528 lượt.
>>Cà Mau thúc đẩy phát triển kinh tế số
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, ông Hồ Văn Mười cũng yêu cầu “triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai đánh giá, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số có hiệu quả. Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hoàn thiện các chỉ tiêu về hạ tầng số, đảm bảo hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế số ở địa phương.”
Theo đánh giá của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, đến nay các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đã được đơn giản hoá, tạo hiệu quả. Số liệu 3 tháng đầu năm ghi nhận cho thấy toàn tỉnh Đắk Nông có 130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Công Ty Cổ Phần Bất Động Sản Gia Nghĩa, ông nguyễn Quang Tuấn cho biết “Khi chúng tôi làm các thủ tục thực hiện dự án thì rất thuận lợi và nhành chóng. Không chỉ thế mà còn tiết kiệm thời gian, đi lại, giúp doanh nghiệp giảm bớt nhiều chi phí không mong muốn.”
Kinh tế số đang dần từng bước xác định tầm quan trọng trong thành phần kinh tế ở địa phương. Thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng an toàn, tiện ích các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện dựa trên hạ tầng số, nền tảng số.
Đắk Nông cũng đã xây dựng thành công ứng dụng DAKNONG-C là thành phần của Hệ thống Chính quyền điện tử/Chính quyền số tỉnh Đắk Nông, hỗ trợ người dân có kênh giao tiếp chính thức với cơ quan chính quyền trên môi trường số.
Theo ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số cho hay “Đắk Nông đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.”
Hiện nay, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh Đắk Nông đạt 8,27%, đúng thứ 38/63 tỉnh thành. Năm 2024, Đắk Nông tập trung vào mục tiêu “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. Tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung vào các trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với chỉ số đóng góp vào GRDP tăng so với năm 2023.
Có thể bạn quan tâm