“Cuộc chiến” xe điện
Xe điện đang trở thành một trong những “đại diện” cho căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. Điều này sẽ tác động ra sao đến ngành công nghiệp non trẻ này?
>> Bài học đắt giá cho EU trong cuộc chiến xe điện với Trung Quốc
Từ thập kỷ trước, ngành công nghiệp “xanh” nói chung và xe điện nói riêng được dự báo sẽ trở thành xu hướng tương lai. Có nghĩa rằng, quốc gia nào làm chủ chuỗi cung ứng này, thì có thể sẽ “cầm trịch” cuộc chơi.
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”
Đằng sau hình ảnh long lanh của mỗi chiếc xe điện là cả một cuộc đấu khốc liệt, bao gồm sự cạnh tranh chiếm hữu nguồn tài nguyên mới như lithium, cobal, nikel, đất hiếm,…; giành giật thị trường, giá cả - được hậu thuẫn bởi các đạo luật có hơi hướng “dân tộc chủ nghĩa trong kinh tế”.
Ngày 26/3 vừa qua, phái đoàn Trung Quốc đã khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với cáo buộc: Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đã mở đường cho “các khoản trợ cấp mang tính phân biệt đối xử” trong lĩnh vực xe điện.
Các ưu đãi của IRA thu hút nhà đầu tư xe điện nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung hội tụ về Mỹ để hưởng trợ cấp tài chính, với 83 nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng sạch ra đời từ cuối năm 2022 đến nay. Mỗi chiếc xe điện lắp ráp tại Mỹ có thể được hỗ trợ hơn 7.500 USD.
Phía Trung Quốc cho rằng: “Dưới vỏ bọc là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, những khoản trợ cấp này đều dùng vào việc mua và sử dụng hàng hóa từ Mỹ hoặc nhập khẩu từ một số khu vực cụ thể”.
Ngược lại, khi chứng kiến doanh số bán xe điện Trung Quốc vượt lên và bỏ xa các đối thủ tại châu Âu và Bắc Mỹ, những nhà lập pháp phương Tây đặt câu hỏi: Điều kiện nào để BYD, Nio, Chery, Xiaomi,… lớn nhanh như vậy?
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định Trung Quốc sử dụng “chính sách không công bằng, phi thị trường”. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Yanet Yellen cũng đã phản pháo với phía Trung Quốc rằng: “xe điện Trung Quốc có thể bị bán phá giá”.
Một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, cứ 4 chiếc xe điện bán ra ở lục địa này có 1 chiếc do Trung Quốc sản xuất; 25% thị phần là con số rất lớn trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng chật chội. EU dự kiến sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% như hiện nay lên 25% đối phó với làn sóng xe điện Trung Quốc.
>> Mỹ ra tay ngăn chặn "cuộc chiến" xe điện
Châu Âu và Mỹ bị choáng ngợp trước sự bùng nổ xe điện của Trung Quốc. Một bên nắm lợi thế công nghệ và thương hiệu lớn, còn một bên sở hữu chuỗi cung ứng hùng mạnh. Cuộc chiến này sẽ đi về đâu?
Cuộc đua không xuống đáy
Dưới góc độ kinh tế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất xe điện mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng. Trước mắt, châu Âu và Mỹ buộc tìm cách giảm giá sản phẩm của họ để tồn tại trước làn sóng “xe giá rẻ Trung Quốc”.
Các đối thủ đã có kế hoạch khiến cho xe điện Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn bằng cách tăng thuế nhập khẩu. Đơn cử, mức thuế 27,5% đã khiến xe điện Trung Quốc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Châu Âu dự kiến tăng thêm 15% thuế, nhưng bài toán với “lục địa già” không dễ có đáp số do sự phụ thuộc vào nguồn cung pin từ Trung Quốc quá lớn.
Đối lại, Trung Quốc dư thừa “vũ khí” để phản công lại với Mỹ và châu Âu. Sẽ rất tồi tệ với ngành công nghiệp xe điện tại “lục địa già” nếu Trung Quốc cắt đứt chuỗi cung ứng pin. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất và kinh doanh lý tưởng của nhiều hãng xe điện hàng đầu phương Tây.
Hiện xu hướng này chưa rõ rệt, tuy nhiên nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, để đa dạng chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, kể cả Trung Quốc sẽ phải tìm đến các quốc gia giàu tài nguyên, lao động dồi dào như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan… Chẳng hạn, BYD- nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, dự kiến chọn Khu công nghiệp Phú Hà ở tỉnh Phú Thọ làm nơi xây nhà máy xe điện đầu tiên của hãng tại Việt Nam.
Xe điện mới chỉ là cuộc chơi đơn thuần giữa các doanh nghiệp lớn thuộc hai hệ thống đang mâu thuẫn kịch liệt. Rồi đây sẽ có sự vào cuộc của nhà nước thông qua con đường ngoại giao. Nếu các lợi ích “địa chính trị - chiến lược” có thể sắp xếp ổn thỏa, trật tự sẽ được thiết lập.
Trong lịch sử kinh tế thị trường, rất hiếm khi các “ông lớn” dẫn đầu xu hướng cạnh tranh dẫn đến loại trừ nhau hoàn toàn. Đến thời điểm chín muồi sẽ xuất hiện các thỏa hiệp để phân chia thị trường và lợi nhuận. Suy cho cùng, cán cân lợi thế vẫn nằm trong tay các cường quốc.
Có thể bạn quan tâm
Giá bán chênh lệch quá cao, ưu đãi cho xe điện tại Việt Nam kém xa các nước
04:49, 03/04/2024
Xe điện Trung Quốc và chiến lược đánh bại đối thủ
04:00, 29/03/2024
"Cuộc chiến" xe điện: Thách thức nào với các nước nhỏ?
04:00, 28/03/2024
Apple bỏ xe điện, Xiaomi hoang mang
02:35, 01/03/2024
Lý do Apple “khai tử” dự án xe điện?
09:06, 28/02/2024