Từ nguy cơ vỡ "bong bóng", hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh xe điện ra nước ngoài.
>>Châu Âu “bất lực” trước cơn sóng xe điện Trung Quốc?
Một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, cứ 4 chiếc xe điện bán ra ở lục địa này có 1 chiếc do Trung Quốc sản xuất; 25% thị phần là con số rất lớn trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng chật chội, đối mặt với khung khổ pháp lý không thuận lợi.
Năm ngoái, xe điện Trung Quốc chiếm 19,5% doanh số bán hàng tại EU, thậm chí tại Pháp và Tây Ban Nha “hàng Trung Quốc” lên tới 1/3. Các biện pháp khuyến khích được áp dụng ở Trung Quốc vào đầu những năm 2010 đã dẫn đến sự gia tăng số lượng công ty khởi nghiệp và tăng dung lượng pin ở nước này, mở đường cho xe điện giá rẻ.
EU dự kiến sẽ tăng thuế từ 10% như hiện nay lên 25% để những chiếc ô tô điện từ Trung Quốc trở nên đắt hơn so với các loại xe tương đương ở EU.
Thực ra, EU đang bị choáng ngợp trước sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong hệ sinh thái kinh tế sử dụng năng lượng “xanh”. Sản xuất xe giá rẻ với BMW, Renault, Volkswagen,…không phải là quá khó. Nhưng vấn đề hóc búa mà họ gặp phải là họ không thể chế tạo những chiếc xe điện giá cả phải chăng và có lợi nhuận nếu không có pin Trung Quốc vì Trung Quốc đã vượt xa cả EU và Mỹ trong lĩnh vực khai thác, tinh chế và sản xuất khoáng sản.
Ngày 26/3, ngay sau khi phái đoàn Trung Quốc đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ với cáo buộc Nhà trắng trợ cấp quá tay cho xe điện, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Yanet Yellen đã phản pháo rằng “xe điện Trung Quốc có thể bị bán phá giá”.
Bà cảnh báo: “Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và người lao động Mỹ cũng như các công ty và người lao động trên toàn thế giới”.
Thực tế, Trung Quốc dư thừa linh kiện sản xuất năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion nên nước này có thể xuất khẩu sang các nước khác với giá rẻ hơn. Điều đó gây khó khăn cho các ngành sản xuất xanh của Hoa Kỳ, châu Âu và các nơi khác trong việc cạnh tranh.
>>Xe điện Trung Quốc trước nguy cơ vỡ “bong bóng”
Về khách quan, Trung Quốc sở hữu nhiều lợi thế và các tính toán chiến lược phù hợp. Nước này đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh nhiều hơn phần còn lại của thế giới, với hàng trăm tỷ USD bằng nhiều phương thức khác nhau.
Trọng tâm của sự trỗi dậy tại Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện là chuỗi cung ứng sản xuất pin. CATL, BYD và CALB có tổng thị phần pin xe điện chiếm 57% thế giới.
Dự kiến năm 2024 tại Trung Quốc có hơn 4 triệu điểm sạc pin công cộng, so với số lượng ít ỏi khoảng 170 nghìn điểm ở Mỹ. Doanh số bán hàng nội địa năm 2023 tại Trung Quốc là 8 triệu xe điện, trong khi Mỹ chỉ là 1,2 triệu xe.
Ngoài những yếu tố kể trên, còn có nguyên nhân từ nội tại ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Những tập đoàn hàng đầu như Ford, GM, Chevrolet, Chrysler,…đã ngủ quên trên đỉnh vinh quang của động cơ đốt trong sử dụng năng lượng hóa thạch.
Trong khi đó chỉ mỗi Tesla khởi nghiệp hoàn toàn bằng xe điện, vẫn đi sau và không đủ số lượng để tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ như BYD, SAIC-GM-Wuling, Geely, GAC, Nio, Chery…
Đâu đó trong ngành xe điện Trung Quốc vẫn tồn tại “điểm đen khủng hoảng”, song hệ thống tài chính nước này đã hỗ trợ tối đa theo kế hoạch dài hơi của chính phủ, với tham vọng dẫn đầu thế giới trong kỷ nguyên kinh tế “xanh”.
Có thể bạn quan tâm