Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu
Trước thực trạng còn nhiều hạn chế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới phương thức và đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu.
>> Hải Dương: Giao lưu xúc tiến thương mại cho 300 Doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, thời gian qua, bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Có được kết quả này là sự nỗ lực của toàn ngành công thương, trong đó vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực sự quan trọng. Các Thương vụ đã thực hiện tốt công tác thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đổi mới hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, phối hợp tốt với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Đặc biệt, các Thương vụ đã làm việc với chính quyền nước sở tại nhằm tháo gỡ các rào cản, tranh chấp thương mại, cũng như tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường sở tại, qua đó phát triển thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu tích cực, hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam được cho vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.
>>Hải Dương: Định hướng năm 2024 là năm dữ liệu BigData và AI
Thực tế, nguồn lực cho các chương trình này còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính chưa được điều chỉnh kịp thời. Tại các địa phương, việc tổ chức mô hình xúc tiến thương mại còn không ít khó khăn, kinh phí được cấp còn khiêm tốn so với nhu cầu và đề xuất của các bộ, ngành nên chưa triển khai được các chương trình tầm cỡ.
Cùng với đó, một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn chưa thực sự chú trọng và đánh giá đúng mức sự cần thiết của xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do hiệp hội ngành hàng và Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhưng không thu được kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân là do đơn vị tổ chức đưa doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại không phát huy vai trò đầu tầu trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, doanh nghiệp phải tự tìm kiếm đối tác, thông tin thị trường khiến việc tiếp cận khách hàng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hầu như không thực hiện được.
Trước thực trạng nêu trên, các doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Công Thương chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường theo từng nhóm ngành hàng cụ thể, thông tin thuế quan… qua đó giúp các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi giao dịch với đối tác. Tránh hiện tượng bị đối tác lừa đảo, như vụ 5 container hồ tiêu, quế và điều bị lừa đảo tại Dubai thời điểm cuối năm 2023, một trường hợp điển hình trong việc doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường.
Đồng tình với ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đề xuất, Cục xúc tiến thương mại, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò dẫn dắt, kết nối, giúp các địa phương xây dựng định hướng tổ chức hoạt động theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam. Đồng thời phối hợp với Hà Nội tổ chức các sự kiện xúc tiến quy mô lớn với sự tham gia của nhiều địa phương nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
“Bộ Công Thương cần thường xuyên cập nhật các chính sách và tình hình thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp có những biện pháp thích nghi với hoàn cảnh mới” – ông Dương kiến nghị.
Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2024 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác các FTA.
Ngoài ra, sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế cho những ngành, lĩnh vực có thế mạnh ở thị trường xuất khẩu chủ lực. Đồng thời tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
“Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp”, ông Phú khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nhận hối lộ, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại bị bắt giam
17:39, 03/04/2024
Hải Dương: Giao lưu xúc tiến thương mại cho 300 Doanh nghiệp
08:49, 08/01/2024
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại
11:10, 04/12/2023
Thanh Hoá thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên nền tảng số
19:05, 20/11/2023
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua hội chợ công thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng
08:03, 18/11/2023