5 sự kiện bất động sản tiêu biểu quý I/2024
Tại sự kiện công bố Báo cáo nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2024 và dự báo quý II/2024 mới đây, chuyên gia của Dat Xanh Services đã chỉ ra 5 sự kiện tiêu biểu.
>>>VNREA: Nỗ lực kiến tạo thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững
Thứ nhất, chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các Tổ chức tín dụng.
Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, tuy nhiên, sẽ quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 từ ngày 01/4/2024. Đồng thời, cuối tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn từ 01/7/2024.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thứ hai, hàng trăm dự án bất động sản khắp cả nước được tháo gỡ khó khăn.
Ngày 11/03/2024, tại báo cáo phục vụ cho phiên họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã thông tin về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai dự án đối với một số địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó, tại TP.HCM có 77 dự án bất động sản được gỡ vướng, Hà Nội có 81 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, Hải Phòng gỡ vướng 11 dự án, Bình Định tháo gỡ khó khăn 26 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án…
Việc hàng loạt dự án được gỡ vướng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như góp phần khôi phục dần niềm tin của các nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần phá băng thị trường bất động sản.
Thứ ba, mặt bằng lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm và điều kiện cho vay được nới lỏng.
Số liệu ghi nhận vào thời điểm ngày 25/3/2024, theo VNBA - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản trung bình đã giảm xuống còn từ 5% - 8%/năm, giảm 1% -1,5% so với thời điểm cuối năm 2023.
Cũng theo VNBA, trong chiến lược tăng trưởng tín dụng năm nay, bên cạnh việc tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng thương mại trong quý I/2024 cũng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi, đặc biệt là cho vay mua nhà với mặt bằng lãi suất ưu đãi của năm đầu tiên dao động chỉ từ 5% - 6%/năm, biên độ lãi suất thả nổi dao động quanh 3% – 3.5%, đưa mức lãi suất sau ưu đãi về mức trên dưới 10%, so với mức cao lên đến 14% - 15% của cùng kỳ năm trước.
Điều kiện cho vay cũng đang dần được nới lỏng hơn để kích thích tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể xem xét giảm bớt một số yêu cầu khắt khe trước đó, và chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản đối với các doanh nghiệp, cá nhân có hồ sơ vay và lịch sử thanh toán uy tín.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Ngày 16/03/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH), tiếp xúc các chủ đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác triển khai.
Ngày 29/03/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các cơ quan nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở này. Bộ này cũng cần nghiên cứu thêm giải pháp về hỗ trợ lãi suất, đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 19/02/2024 Tiền Phong online dẫn tin việc đăng ký hoàn thành 108 dự án với quy mô hơn 47.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 tại 63/63 địa phương là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực và cam kết của chính quyền và các đối tác liên quan trong việc cung cấp nhà ở cho người dân. Sự hưởng ứng tích cực từ các Chủ đầu tư cùng với việc khởi công nhiều dự án trên khắp cả nước cũng là một dấu hiệu tích cực, góp phần vào việc giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và cải thiện điều kiện sống của cộng đồng.
Thứ năm, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang có sự tăng trưởng nổi bật.
Theo nghiên cứu của DatXanh Services, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang tăng trưởng nổi bật và hồi phục sớm hơn mong đợi. Sự phục hồi của thị trường căn hộ Hà Nội được ghi nhận từ quý cuối năm 2023 và vẫn tiếp diễn xuyên suốt Quý I/2024.
Giá bán căn hộ thứ cấp được ghi nhận tăng theo tuần, với mức tăng trung bình từ 15%-20% so với cùng kỳ, cá biệt một số dự án cũ chào bán lại có mức tăng giá dao động từ 30%-50%.
Đáng chú ý, thị trường căn hộ sơ cấp cũng ghi nhận mức độ hấp thụ tốt hơn nhiều so với các khu vực khác trên toàn quốc, thể hiện sự sôi động và tiềm năng phát triển đáng kể của thị trường bất động sản tại Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
VNREA: Nỗ lực kiến tạo thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững
18:48, 05/04/2024
Một số thủ tục hành chính về kinh doanh bất động sản chưa đảm bảo minh bạch
03:00, 05/04/2024
Thị trường bất động sản ấm trở lại
03:00, 05/04/2024
“Phá băng” bất động sản nghỉ dưỡng
17:57, 04/04/2024
Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ các nghị định liên quan đến bất động sản
15:42, 04/04/2024