Triển vọng tín dụng ngân hàng
Với hàng tồn kho giảm và kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục phục hồi, tín dụng doanh nghiệp sẽ dẫn dắt đà phục hồi của tín dụng nói chung.
>>>Hỗ trợ kinh tế với các chính sách phi lãi suất
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích Maybank Investment Bank (MSVN) trao đổi với DĐDN.
- Tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3 với 0,26%. Đây có thể xem là tín hiệu đáng chú ý từ 1 quý thấp điểm, thưa ông?
Số liệu tăng trưởng tín dụng đến 29/3 là 0,9%. So với cùng kỳ các năm trước, con số này có vẻ không có quá cao, nhưng nếu nhìn vào mức nền so sánh và tốc độ tăng của tín dụng qua các tháng thì chúng tôi thấy xu hướng đang tích cực trở lại. Thứ nhất, chúng tôi quan sát thấy rằng tín dụng đã tăng rất mạnh trong tháng 11-12 năm 2023, do đó đã tạo ra mức nền so sánh cao hơn đáng kể. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tính dụng tính từ đầu năm đã có những cải thiện tích cực: Nếu như cho đến thời điểm giữa tháng 3, tín dụng vẫn ghi nhận con số tăng trưởng âm (tính từ đầu năm), thì đến 25/3 con số này đã đạt mức dương 0,26% và đến 29/3 đạt 0,9%. Đây là tín hiệu tích cực và đáng để hài lòng đối với hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
- Lãi suất có còn là trọng tâm để thúc đẩy tín dụng lúc này hay không, thưa ông?
Tôi cho rằng lãi suất đã giảm mạnh trong 3 tháng qua và hiện đã về mức rất thấp. Tôi cho rằng khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm hơn nữa. Việc tăng trưởng tín dụng từ giờ trở đi sẽ dựa vào tốc độ phục hồi của phía cầu tín dụng.
Chúng tôi quan sát thấy các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng nước ngoài hiện đã đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà về mức dưới 6%, thấp hơn cả thời Covid-19. Hay với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng có những gói vay ưu đãi với lãi suất hỗ trợ tốt.
Do đó, có thể nói lãi suất cho vay hiện nay không còn là yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng, mà vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu vay vốn và khả năng tiếp cận vốn vay.
Ví dụ, việc thực hiện vay đảo nợ của cá nhân (theo Thông tư 06) thực tế chưa dễ dàng như lý thuyết vì những khó khăn trong liên quan đến tài sản đảm bảo. Hai là, sức khỏe tài chính và niềm tin về triển vọng phục hồi thu nhập là không đồng đều giữa các nhóm khách hàng cá nhân. Chúng tôi cho rằng nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thấp sẽ chậm hơn. Họ cần thêm thời gian để phục hồi về sức khỏe tài chính để tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Với nhóm khách hàng cá nhân có thu nhập khá và cao, thì chúng tôi cho rằng họ có thể phục hồi nhanh hơn, và nhu cầu vay liên quan đến bất động sản (trong môi trường lãi suất thấp) có khả năng phục hồi tốt vào quý 3-4. Chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để giúp thị trường bất động sản khôi phục niềm tin của người mua nhà và giới đầu tư.
Về nhóm khách hàng doanh nghiệp, thì theo quan sát của chúng tôi, nhu cầu mở rộng sản xuất vẫn khiêm tốn trong quý 1. Cụ thể, nhìn vào chỉ số PMI vẫn ở quanh mức 50, nghĩa là hoạt động sản xuất chưa mở rộng mạnh. Theo khảo sát của tổ chức quản lý chỉ số PMI, thì mặc dù đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhưng doanh nghiệp trong quý 1 lựa chọn sử dụng hàng tồn kho thay vì quyết liệt mở rộng sản xuất mới. Số liệu về tỷ lệ hàng tồn kho của GSO cũng xác nhận thực tế này. Chính vì thế, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất vẫn ở mức khiêm tốn.
>>>Giải bài toán tăng trưởng tín dụng cách nào?
- Trong quý tới và thời gian còn lại của năm, theo ông, các yếu tố nào sẽ chi phối xu hướng tín dụng?
Như đề cập ở trên, đã có thể nhìn thấy một số tín hiệu tích cực trên nền tảng kinh tế phục hồi tốt, dẫn dắt bởi đầu tư công, FDI và xuất khẩu. Trong bối cảnh hàng tồn kho đã giảm, thì đà phục hồi tích cực của xuất khẩu sẽ dần có tác động trực tiếp hơn đến hoạt động sản xuất từ quý 2. Các doanh nghiệp sẽ cần vay vốn để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS), chúng tôi quan sát thấy thị trường đang phục hồi. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ đã dự kiến đưa 3 Luật về Bất động sản và Luật về các TCTD sửa đổi áp dụng ngay trong năm nay (thay vì để qua năm 2025), qua đó sẽ giúp ngành phục hồi tốt hơn. Trong bối cảnh lãi suất vay mua nhà thấp, thì chỉ cần yếu tố niềm tin trở lại nhờ các chính sách pháp lý rõ ràng, chúng tôi tin rằng nhu cầu mua nhà từ nhóm khách hàng có thu nhập khá và cao sẽ phục hồi trong năm nay.
Các phân khúc trên thị trường cũng đang bắt đầu rục rịch tăng nguồn cung và nhiều khách hàng có thu nhập tốt đã bắt đầu quan tâm trở lại với thị trường. Một điển hình là Vinhomes đang đẩy mạnh các dự án hướng đến nhu cầu mua nhà phục hồi.
- Với lãi suất cho vay cũng đã giảm rất thấp, liệu các NH có bị ảnh hưởng NIM và lợi nhuận năm 2024?
Năm 2023, NIM của các ngân hàng bị giảm bình quân 50bps (0.5%) do chi phí vốn tăng mạnh, và các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay quá mạnh vì cần hỗ trợ khách hàng.
Từ cuối 2023, lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhanh hơn do chính phủ quyết liệt yêu cầu hệ thống ngân hàng phải hạ lãi suất, công khai lãi suất cho vay bình quân để thị trường biết. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh để giữ khách hàng tốt và tìm kiếm khách hàng mới, khiến các ngân hàng cũng phải hạ lãi suất cho vay nhanh hơn. Do đó, chúng tôi nhận thấy áp lực đối với NIM còn tiếp diễn trong 2 quý đầu năm 2024 này.
Nhưng nhìn cả năm 2024, chúng tôi cho rằng NIM sẽ duy trì sự ổn định (bằng hoặc thấp hơn không quá 10-15bps so với năm 2023) do: i) chi phí vốn giảm sẽ giúp hấp thụ một phần áp lực từ lợi suất cho vay giảm, ii) nhu cầu tín dụng tăng trở lại từ nửa sau của năm 2024 sẽ hỗ trợ NIM, và iii) một số ngân hàng (ví dụ như Techcombank) có thể sẽ thấy NIM phục hồi sau do lãi suất cho vay bình thường hóa trở lại (sau giai đoạn hỗ trợ khách hàng năm 2023).
Trân trọng cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm