Kinh tế châu Á tích cực, Việt Nam được lợi gì?
Ngân hàng châu Á cho rằng, Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế châu Á và thế giới bất chấp tình trạng suy thoái.
>>Điều chưa biết về kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á từ 4,8% hồi tháng 12/2023 lên 4,9% trong báo cáo mới nhất. Về phía Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6%, trong khi năm 2025 sẽ khởi sắc hơn với 6,2%.
ADB đưa ra kết luận: Bất chấp tình trạng suy yếu, kinh tế Trung Quốc vẫn đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng trong châu lục và thế giới. Thậm chí, nền kinh tế này còn quan trọng hơn trong thời gian tới.
ADB còn đánh giá cụ thể khả năng sản sinh “động lực” của kinh tế Trung Quốc với nhiều quốc gia lân cận. Trung Quốc hiện chiếm lần lượt 18% và 48% GDP toàn cầu và châu Á, dựa trên tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua. ADB dự báo kinh tế số 2 toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng GDP là 4,8% năm 2024, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” của chính phủ.
Ấn Độ được đánh giá có khả năng thay thế Trung Quốc, quốc gia Nam Á đã phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 6 quý gần đây, thậm chí vượt qua kỳ vọng với mức tăng trưởng 8,4% trong quý 4/2023.
Tầm quan trọng của Ấn Độ đối với tăng trưởng trong khu vực đang ngày càng tăng, ADB ước lượng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ cao nhất trong khu vực, ở mức 7% vào năm 2024 và 7,2% vào năm 2025.
Vì sao chỉ số kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ gây sự chú ý? Bởi theo ADB, hầu hết các nền kinh tế lớn đều giảm tăng trưởng trong năm nay. GDP của Mỹ sẽ giảm xuống 1,9% so với mức 2,5% của năm ngoái và GDP của Nhật Bản chỉ tăng 0,6% so với 1,9% vào năm 2023.
Từ năm 2020, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng nơi thị trường tỷ dân là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp Việt duy trì kênh xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời, ngành công nghiệp gia công, lắp ráp tại Việt Nam bớt đi nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng. Ví dụ, toàn ngành dệt may và da giày phụ thuộc phần lớn nguyên phụ liệu Trung Quốc, riêng doanh nghiệp ở TP.HCM có mức độ nhập khẩu lên tới 90%.
>>Hệ lụy khi kinh tế Trung Quốc ở “ngã ba đường”
Các ngành công nghiệp cơ bản của Việt Nam, như: phân bón, chất dẻo, hóa chất, máy móc, sắt thép,… nếu không có nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc sẽ không thể hoạt động. Khi kinh tế suy thoái, nhà máy bên kia biên giới cắt giảm sản xuất thì doanh nghiệp trong nước sẽ bị gia tăng chi phí.
Ơ chiều hướng khác, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay là bài học có ý nghĩa với Việt Nam. Nước này đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu, thay đổi động lực phát triển, gánh chịu nhiều hệ quả lớn từ bất động sản, xây dựng,…nhưng vẫn trụ vững.
Cùng là bất động sản nhưng mức độ đóng góp của lĩnh vực này cho kinh tế Trung Quốc luôn gấp đôi Việt Nam với hệ thống doanh nghiệp tư nhân năng động; cùng là xuất khẩu nhưng Trung Quốc luôn đạt được giá trị thặng dư thương mại rất lớn.
Đây là những lý do giúp Trung Quốc chống chọi với nhiều năm biến động từ COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine và khủng hoảng kinh tế. Thêm nữa, điểm khác nhau cơ bản giữa hai nền kinh tế là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài, và sự năng động của chính quyền địa phương.
Có thể bạn quan tâm
“Thiếu hụt niềm tin” trong kinh tế Trung Quốc
04:00, 15/02/2024
Kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như kỳ vọng?
03:00, 06/02/2024
Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại?
03:00, 01/02/2024
Những thách thức chưa từng có với kinh tế Trung Quốc
03:00, 30/01/2024
Khủng hoảng nhân khẩu học "đe dọa" kinh tế Trung Quốc
04:00, 18/01/2024